Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Chiều 17/11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Phần lớn các đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật này.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường

(ĐCSVN)-

Đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị), Bùi Văn Xuyến (Thái Bình), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông), Nguyễn Xuân Trường (TP Hải Phòng), Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)… đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm mục tiêu xây dựng, nâng cao ý thức pháp luật của xã hội và cá nhân, từng bước hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, góp phần xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này, bởi lẽ, trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, những tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật chưa nghiêm, chưa hợp lý; bên cạnh đó, nhiều trường hợp, các cơ quan, các cấp, các ngành cũng chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác này nên hiệu quả chưa cao, chứ không hẳn là do chưa có một đạo luật riêng điều chỉnh.

Về mục tiêu ban hành và phạm vi điều chỉnh Luật, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (TP Hải Phòng) và nhiều đại biểu khác cho rằng mục tiêu ban hành dự thảo Luật đã được thể hiện nhưng còn chung chung, chưa rõ nét; phạm vi điều chỉnh của Luật chủ yếu quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa đưa ra được các quy định về cách thức để người dân thực hiện quyền tiếp cận pháp luật khi có nhu cầu.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường đề nghị giải thích thêm về một số từ ngữ trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng trong Luật này chỉ nên ghi là “người dân” không nên dùng từ “công dân” vì có những đối tượng không còn quyền công dân nữa vẫn rất cần được nghe phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặt khác, việc đưa chương trình nội dung phổ biến pháp luật vào trường học phải phù hợp từng đối tượng, chuẩn bị kỹ vì hiện nay chương trình học phổ thông đang bị kêu quá tải.

Đại biểu Bùi Văn Xuyến (Thái Bình) cho rằng trách nhiệm phổ biến pháp luật là của Nhà nước, đây là hoạt động không có thu, nên rất khó xã hội hóa công việc này, do đó cần phải đầu tư kinh phí tương xứng.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) đề nghị trong Luật cần phải có quy định ràng buộc đối với đối tượng nghe phổ biến pháp luật. Ngoài ra, nên có cơ chế đặc thù cho các tổ chức đoàn thể phổ biến pháp luật ở cơ sở, có như vậy pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống.

Nhiều đại biểu cũng tán thành cần phải có Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật vì cho rằng hình thức này đang phát huy tác dụng trong việc phối hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần đưa Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật vào trực tiếp trong Luật, không nhất thiết phải qua Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đóng góp ý kiến về giáo dục pháp luật, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc giáo dục pháp luật trong gia đình, cơ quan nhất là giáo dục đối với phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng để đảm bảo tính hiệu quả và toàn diện.

Sáng mai 18/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật giá.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=491106&co_id=30106