Tán thành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính

Sẽ chất vấn nhiều bộ trưởng tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(HNMO) - Tiếp tục phiên họp thứ 36, chiều 12-8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Góp ý về quy định đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Điều 9, dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu ủng hộ phương án 2 của dự thảo: "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam...". Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, Sở Giao dịch chứng khoán cần đặt ở nơi có điều kiện thuận lợi nhất để thị trường hoạt động tốt.

Cùng về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại bày tỏ sự nhất trí với phương án 1: "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là phương án như Chính phủ đã trình nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung một số quyền hạn, nhiệm vụ tại Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính. Đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có ý kiến trước khi Bộ Tài chính phê chuẩn Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và phê chuẩn điều lệ của các doanh nghiệp này". Nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, cần tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bộ Tài chính phải tham mưu về vấn đề này rõ hơn, bảo đảm tính hội nhập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, phương án 2 như đã nêu trên và phương án 3 “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ” tương thích với quốc tế nhưng chưa hẳn phù hợp với Việt Nam.

Về tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán (Điều 43, dự thảo Luật), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích: “Với đặc điểm của nước ta và tính chất, nhu cầu, quy mô của thị trường chứng khoán, cần bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả của thị trường, sự minh bạch, thống nhất trong áp dụng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Vì vậy, tôi thống nhất với phương án 2: Chỉ tổ chức một Sở Giao dịch chứng khoán”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Sở Giao dịch chứng khoán nên đặt ở nơi sôi động nhất, không nhất thiết phải đặt ở Thủ đô.

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng (Điều 29 dự thảo Luật), Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án 1, “luật hóa các quy định về điều kiện phát hành tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4-12-2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vào dự thảo Luật” và giao Chính phủ hướng dẫn.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ 37.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/942566/tan-thanh-uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-truc-thuoc-bo-tai-chinh