Tận thấy cuộc tuyển chọn bí thư huyện ủy

Hội trường tầng 2 Trụ sở Tỉnh ủy Đắk Lắk chưa bao giờ diễn ra bầu không khí như vậy. Cả 'ban giám khảo' (Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và các ứng viên tò mò, pha phấn khích, nhưng không giấu nổi sự hồi hộp. Cũng đúng thôi, đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một cuộc tuyển chọn bí thư huyện ủy…

Trong vai Bí thư huyện ủy

Trước giờ hẹn mở cửa hội trường (7h30) - nơi diễn ra một cuộc “sát hạch” đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đến từ lúc nào. Cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 14 người chỉnh tề ngồi đúng số (để các ứng viên bốc thăm), trong vòng giữa. Dãy sau, vòng ngoài là 5 vị nom hồi hộp, có vị ngồi tĩnh lặng như thể ôn bài. Họ là những ứng viên sắp đóng vai Bí thư Huyện ủy Lắk trong vòng 1 tiếng. Ngồi chênh chếch, đối diện cùng hàng thứ 2 là đại diện Huyện ủy Lắk. Ban Tổ chức không nói gì nhiều về những người đại diện địa phương và họ cũng ngồi khiêm cung, lặng lẽ.

Để đảm bảo sự nghiêm túc và bí mật mỗi lần trình bày sẽ chỉ 1 ứng viên. Những người còn lại sang phòng khác chờ. Phải nói ban tổ chức khá tinh tế, khi bố trí ứng viên trình bày ngồi ngay hàng đầu, bị Bí thư Tỉnh ủy “chiếu tướng”; chưa kể 14 cặp mắt dò xét của các Ủy viên Ban Thường vụ cũng luôn hướng về người trình bày.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường mở màn: “Tránh nói như nghị quyết: Tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Phải vào việc cụ thể”. Ông Cường giải thích: “Đây không phải cuộc thi” dù có hẳn thang điểm chấm cho mỗi thí sinh đạt điểm tối đa 100. Câu hỏi chốt hạ trong phần vấn đáp 4 câu sẽ là của Bí thư Cường.

Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk: "Ứng viên phải đưa ra phương án cụ thể, tránh tăng cường, đẩy mạnh nâng cao"

Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk: "Ứng viên phải đưa ra phương án cụ thể, tránh tăng cường, đẩy mạnh nâng cao"

Ống kính máy quay, máy ảnh ùa vào ứng viên đầu tiên, một người phụ nữ trung niên, tươi tắn tiến lên vị trí trình bày máy chiếu. Ai đó thì thào: “Mở màn có khác”. Bà Nguyễn Thị Thu An (sinh năm 1979)-đương kim Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh trông trẻ hơn tuổi đời. Bà mở máy chiếu bằng bức ảnh đẹp bình minh trên hồ Lắk, phông chữ cũng màu xanh lá cây. Có thể run quá nên trước và sau khi trình bày, bà quên chào hỏi và cám ơn như các ứng viên khác. Bà An trình bày trôi chảy và đưa ra 3 trụ cột phát triển huyện Lắk: Du lịch (cảnh quan) theo hướng phát huy giá trị văn hóa; phát triển rừng, giữ gìn tài nguyên; giảm nghèo, nâng cao đời sống dân sinh cho bà con dân tộc thiểu số. Kết thúc bài trình bày “Nếu tôi là bí thư Huyện ủy Lắk”, bà An giới thiệu 2 bức ảnh voi rất đẹp ở trong rừng và nêu mong muốn hình ảnh này sẽ thực tế ngoài đời.

Phần chất vấn “bí thư huyện ủy” có lẽ được mong chờ nhất. Thú vị không chỉ ở kiến thức, bản lĩnh người trả lời mà ngay cả với người hỏi. Bà An bắt được câu hỏi của Giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Tuyến. “Khi xảy ra tình huống phức tạp như gây rối trên địa bàn, đồng chí sẽ xử lý thế nào”. Đây rõ ràng là câu hỏi đầy tính thực tiễn. Bà An trả lời tựu trung mấy ý: Nắm bắt tình hình; khoanh vùng, tránh lan rộng; cấp nào giải quyết; nếu phức tạp sẽ họp Thường vụ Huyện ủy… Các câu hỏi khác xoay quanh làm cách nào phát triển kinh tế nhanh và bền vững hoặc phát huy lợi thế du lịch. Câu hỏi “phát triển nhanh và bền vững”, bà An trả lời theo hướng phản biện. “Nhanh và bền vững khó đi cùng nhau”, bà An nói và có đưa ra giải pháp tập trung vào nông lâm nghiệp, hướng công nghệ cao.

“Rừng cháy, đồng chí chỉ đạo xử lý thế nào?”

Xuyên suốt ngày tuyển chọn, có 2 câu hỏi của Bí thư Bùi Văn Cường và Giám đốc Công an tỉnh vừa trực diện, vừa thực tiễn được nhắc lại với các ứng viên. Câu hỏi của Bí thư Cường: “Nếu rừng trên địa bàn cháy, đồng chí chỉ đạo xử lý thế nào?”; Giám đốc Công an tỉnh hỏi về công tác xử lý gây rối, tụ tập đông người. Hầu hết các ứng viên đều có giải pháp, nhưng vẫn có nhiều người lặp lại “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao”. Thậm chí có thí sinh bí quá còn thanh minh: “Dạ, em chưa làm bí thư bao giờ”. Có người nói, câu hỏi nằm trong phần kiến thức quốc phòng đối tượng 3.

Ngay cả “ban giám khảo” lúc đầu cũng lúng túng định cho điểm luôn và nhận xét tại chỗ, nhưng sau đó được nhắc quy chế nên dành những phần này khi kết thúc, họp đánh giá riêng.

Ông Hoàng Minh Cương đang thể hiện phần thi của mình

Ứng viên Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk đúng chất thầy giáo, chào hỏi phong cách. Bài trình bày “diễn vai” bí thư huyện ủy lên bổng, xuống trầm, nhấn câu nhả chữ. Trình máy chiếu của thầy Cương soạn như một bài giảng thực thụ. Ứng viên Cương đưa ra nhiều giả thiết “nếu”. Trong đó có: “Nếu trúng tuyển, tôi cũng sẽ thí điểm thi tuyển 3 bước”. Bài trình bày của vị này cũng nhiều “tăng cường”, “đồng bộ”, “bao trùm”… Đương nhiên, phần trả lời chất vấn của ông Cương nhiều tính kinh viện. Đây cũng là ứng viên chu đáo nhất khi kết thúc trình bày đã xin được nói thêm. “Tôi cố gắng, tin tưởng bản thân, luôn vượt qua chính mình”…

Không khó phát phát hiện nhiều số liệu vênh nhau giữa các ứng viên. Chính các ủy viên thường vụ cũng hỏi vì sao có bản trình bày ghi Huyện Lắk 14 dân tộc thiểu số, nơi khác ghi 16 hoặc 20.

Phần trình bày của ứng viên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Văn Hà ngay từ đầu bản thuyết trình chủ yếu nói về vai trò của bí thư huyện ủy. Một bản trình bày khác so với những người còn lại.

Có ứng viên trình bày máy chiếu bằng cách đứng gần như bất động đọc luôn chữ đang chạy với giọng đều đều. “Bí thư huyện ủy” Nguyễn Văn Khoa (SN 1966) - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khi được hỏi: Phát huy lợi thế du lịch, đồng chí làm gì? Ông “bí thư” giả định miêu tả một vòng hồ Lắk. “Biết hết cảnh đẹp rồi. Đồng chí trả lời ngay làm gì”, Bí thư Cường ngắt lời.

Nữ ứng viên duy nhất Nguyễn Thị Thu An trả lời Bí thư Bùi Văn Cường

Ứng viên Võ Ngọc Tuyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư lại thích thú với ý tưởng trồng cây, hoa nở 4 mùa như chứng kiến trong chuyến đi Mỹ gần đây. “Tôi sẽ kêu gọi Huyện đội trồng 500 cây, Công an 500 cây, Phụ nữ 500 cây quanh hồ Lắk”. Ông Tuyên muốn lấy hồ này làm trọng điểm để trồng cây, phát triển du lịch. Là người trình bày cuối cùng trong ngày, ra hành lang ông tâm sự: “Nếu tự cho điểm, tôi nghĩ mình được 70 điểm”. Ông Tuyên cũng thổ lộ, thi xong rồi không hối tiếc và ông cũng được vợ con động viên nhiều.

Thí sinh cuối cùng rời phòng, ban tổ chức lập tức đóng cửa. Nghe nói, cuộc họp kín này mới chọn người xứng đáng nhất. Một cuộc tuyển chọn trực quan, sinh động và sát sườn chưa từng thấy.

“Tôi và 8 anh em dự thi đều cảm ơn Tỉnh ủy về cách đổi mới tích cực trong tuyển chọn chức danh bí thư huyện ủy. Nếu được giao nhiệm vụ, tôi sẽ lắng nghe thêm các ý kiến góp ý của lãnh đạo Tỉnh ủy, tập thể Huyện ủy… và có những định hướng sát nhất”, ứng viên Hoành Minh Cương, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk.

Hôm nay 20/3, có 4 ứng viên sẽ đóng vai Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, đều là người dân tộc thiểu số, gồm: ông Ra La Von Ga (SN 1968) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên; ông Y Mơ Mlô (SN 1975) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk; ông Ya Toan Ênuôl (SN 1970) - Phó Bí thư Thành ủy TP Buôn Ma Thuột và ông Y Jăn Buôn Krông (SN 1971) - Phó Bí thư Huyện ủy Cư Kuin.

Đình Thắng - Vũ Long

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tan-thay-cuoc-tuyen-chon-bi-thu-huyen-uy-1626288.tpo