Tân thủ tướng Anh và những vấn đề an ninh đối ngoại

Vấn đề được dư luận quan tâm nhất là tân Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson làm thế nào để có thể chèo lái nước Anh ra khỏi cơn bão Brexit; đồng thời tìm ra giải pháp cho những căng thẳng trong đối ngoại với Iran liên quan đến vấn đề bắt giữ tàu chở dầu; phối hợp cùng với các nước châu Âu khác bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi vẫn cân bằng mối quan hệ với Mỹ.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: vov.vn.

Từ vấn đề cấp bách…

Tân Thủ tướng Anh nhậm chức trong bối cảnh căng thẳng với Iran liên quan đến vấn đề bắt giữ tàu chở dầu, vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, chia rẽ nổi lên tại châu Âu liên quan đến kế hoạch thiết lập sứ mệnh hải quân cũng như cân bằng quan hệ với Mỹ.

Chưa đầy 1 tuần trước khi ông Johnson được bầu làm Thủ tướng Anh, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ 1 tàu chở dầu treo cờ Anh trên Eo biển Hormuz. Để giải quyết căng thẳng ở vùng Vịnh, tại cuộc họp các đại diện châu Âu tại Brussels (Bỉ), sứ mệnh hải quân do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền di chuyển qua eo biển Hormuz đã được đề xuất.

Iran kiên quyết bác bỏ sự can thiệp của các nước phương Tây. Tehran khẳng định sẽ dốc hết sức để đảm bảo an ninh khu vực, đặc biệt tại eo biển Hormuz, và sẽ không cho phép bất cứ sự bất ổn nào trong việc vận tải hàng hải tại khu vực nhạy cảm này. Trước đó, Iran cảnh báo việc hình thành một liên minh quốc tế bảo vệ vùng Vịnh sẽ mang tới sự bất ổn.

Trong khi đó, Mỹ cũng đưa ra đề xuất tăng cường các nỗ lực bảo vệ khu vực hải phận chiến lược ngoài khơi Iran và Yemen, trong bối cảnh có nhiều sự cố đối với các tàu chở dầu xảy ra trong khu vực. Cả hai sứ mệnh này đều nhằm bảo vệ các tàu qua eo biển Hormuz trước các mối đe dọa từ Iran.

Tuy nhiên, mục tiêu “tự do đi lại” là điều cốt yếu đối với sứ mệnh hải quân do EU đề xuất đã được nhiều nước châu Âu ủng hộ ngay tại cuộc họp ở Brussels, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ba Lan và Đức cũng đã bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ. Trái lại, sứ mệnh an ninh hàng hải do Mỹ đề xuất với mục tiêu “tăng sức ép lên Iran” đã không nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu vì lo ngại leo thang căng thẳng với Iran.

Mặt khác, trong khi Pháp và Đức khẳng định, sứ mệnh hải quân của EU cần độc lập với Mỹ, thì Anh lại cho rằng hoạt động cần sự ủng hộ của Mỹ. Tân Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng, một phái bộ của châu Âu không thể hiện thực nếu không có sự trợ giúp của Mỹ. Tuyên bố mới này trái ngược với tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt - người đã đề xuất thiết lập một phái bộ hải quân châu Âu, nhưng phải tách biệt với kế hoạch của Mỹ.

Với bước đi mới nhất của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, giới quan sát cho rằng, đây cũng có thể chỉ là cách Anh đang cố gắng đi theo con đường trung gian, giữa cách tiếp cận độc lập hòa bình của châu Âu và chính cách leo thang của Mỹ về Iran. Điều này giúp Tân Thủ tướng Anh cân bằng mối quan hệ giữa hai bên, thậm chí giúp ông có thể trở thành cầu nối quan trọng giữa EU và Mỹ.

Tuy nhiên, điều đó có thể không dễ dàng khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã từng trong trạng thái căng thẳng, kể cả lĩnh vực thương mại lẫn ngoại giao. Trong khi đó, trở thành Thủ tướng trong bối cảnh nhiều thách thức, cách giải quyết của ông Boris Johnson về vấn đề Iran vẫn chưa rõ ràng. Một số người chỉ trích ông Boris Johnson cho rằng cựu Ngoại trưởng Anh “không giỏi” trong việc xử lý một cuộc khủng hoảng quốc tế nhạy cảm như vậy.

Đến trọng tâm Bretxit…

Dư luận quan tâm nhất là làm thế nào để tân Thủ tướng Boris Johnson có thể đưa nước Anh ra khỏi cơn bão Brexit mà hạn chót là ngày 31/10, trong khi vấp phải những trở ngại từ phía nội bộ, từ các nước khác trong EU và trở ngại lớn nhất liên quan đến đường biên giới trên đảo Ireland.

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Boris Johnson tái khẳng định quyết tâm thống nhất một đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ và sẽ thực hiện tiến trình Brexit. Phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội Anh, ông tuyên bố, thỏa thuận chia tay đã 3 lần bị các nghị sĩ Anh bác bỏ. Ông cho rằng thỏa thuận Brexit hiện nay là “không thể chấp nhận” và chuẩn bị cho khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Ông Boris Johnson khẳng định Anh và EU sẽ chỉ có thể thúc đẩy Brexit khi loại bỏ điều khoản gây tranh cãi liên quan tới đường biên giới trên đảo Ireland trong thỏa thuận đã ký kết hồi cuối năm 2018. Theo điều khoản này, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận mới nhằm tránh một đường biên giới hiện hữu giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland.

Ông cho rằng điều khoản này mang tính chia rẽ và cần phải được loại bỏ nếu hai bên muốn đạt được thỏa thuận Brexit. Theo ông, chính sách tiếp cận của London không phải là thoát ly, xa rời hay chờ đợi EU tiến tới mà là nỗ lực giải quyết vấn đề và sẽ thực hiện chính sách này với tinh thần hữu nghị và hợp tác. Nhưng điều này sẽ không thể thực hiện nếu điều khoản “rào chắn” vẫn tồn tại, đồng thời nhấn mạnh cần phải loại bỏ điều khoản này để hai bên đạt tiến triển.

Tân Thủ tướng Anh cho rằng, Brexit là một cơ hội kinh tế to lớn để thực hiện nhiều điều mà Anh đã không được phép tự quyết trong nhiều thập kỷ qua, cam kết trao thêm quyền hạn cho các cộng đồng địa phương cũng như củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối băng tần rộng. Ông nhấn mạnh lấy lại quyền kiểm soát không chỉ là lấy lại quyền tự chủ từ EU mà còn là để cho các thành phố, các hạt và thị trấn có quyền tự quyết nhiều hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của tân Thủ tướng Anh đã bị cảnh báo và chỉ trích. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cảnh báo rằng, kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ có thể dẫn tới một Ireland thống nhất vì ngày càng nhiều người dân Bắc Ireland sẽ “đặt câu hỏi về liên minh” với Vương quốc Anh. Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cũng chỉ trích những tuyên bố của tân Thủ tướng Anh “không giúp ích” cho tiến trình Brexit, ông Johnson đang đặt nước Anh vào vị thế “đối đầu” với EU trong tiến trình đàm phán Brexit.

Đề nghị của ông Boris Johnson đàm phán về một thỏa thuận “chia tay mới” cũng bị EU bác bỏ và đặt ra những điều kiện cho một sự chia tay có trật tự giữa hai bên. Nhà đàm phán hàng đầu EU Michel Barnier cho rằng, đây là điều kiện “không thể chấp nhận”. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ không có thỏa thuận đưa Anh rời EU hoặc hiệp định thương mại ký kết với Anh, nếu nước này không chấp nhận giải pháp “chốt chặn”.

Phát biểu cứng rắn, nước Anh phải Brexit vào đúng hạn chót (31/10), cho dù có đạt được thỏa thuận hay không của ông đã gây chấn động dư luận. Một Brexit “không thỏa thuận” vốn bị nhiều người trong và ngoài Quốc hội Anh coi như một viễn cảnh “cheo leo bên bờ vực” cần phải tránh bằng mọi giá.

Như vậy, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson trong nhiệm kỳ mới với những vấn đề đối ngoại không hề dễ dàng. Hiếm có một Thủ tướng thời bình nào của Anh lại phải đối mặt với nhiều tình huống an ninh đang chờ đợi như ông Boris Johnson khi ông đảm nhiệm cương vị này. Những bước đi tiếp theo của ông chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới số phận những thế hệ tương lai cũng như vai trò, vị thế của nước Anh trên trường quốc tế./.

Nguyễn Nhâm

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/the-gioi/tin-tuc/tan-thu-tuong-anh-va-nhung-van-de-an-ninh-doi-ngoai-530284.html