Tận tình chăm sóc trẻ sinh non

Sau gần 3 tháng được các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tận tình cứu chữa, chăm sóc, bé trai B.H.A. (ngụ xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) đã được xuất viện về nhà trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Niềm vui của các bác sĩ, điều dưỡng khi bé B.H.A. bình phục sức khỏe tốt, được xuất viện về nhà. Ảnh: A.Yên

Kỳ tích

BS CKII Huỳnh Thị Thanh, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho biết, bé A. là trường hợp trẻ sinh non nhất từ trước đến nay được điều trị thành công tại khoa. Mẹ bé mới 18 tuổi, sinh bé khi mới được 25 tuần 3 ngày (5,5 tháng tuổi thai), bé chỉ nặng 900g, được chẩn đoán không có nhiều cơ hội sống. Tuy nhiên, mầm sống mãnh liệt trong bé đã giúp bé vượt qua tình trạng kiệt sức, suy hô hấp rất nặng khi mới chào đời.

Sau khi tiếp nhận bé từ bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ đã khẩn trương cho bé thở máy, bơm thuốc để nở phổi, sử dụng thuốc để đóng ống động mạch. Thế nhưng, bé lại đối diện với tình trạng nhiễm trùng huyết rất nặng, phải điều trị kháng sinh tích cực mới qua được cơn nguy kịch.

Thử thách chưa dừng lại đó. Khi em bé có dấu hiệu hồi phục, được mẹ ấp, chăm sóc thì lại bị nhiễm khuẩn, phải tiếp tục điều trị kháng sinh.

“Sau gần 3 tháng trải qua nhiều thời điểm khó khăn, bé trai đã bình phục sức khỏe tốt, cân nặng tăng lên 2,1kg, da dẻ hồng hào, bú tốt, không ghi nhận biến chứng gì. Đây là kỳ tích, là niềm vui không chỉ đối với gia đình bé, mà với cả đội ngũ y - bác sĩ, là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình” - BS Thanh tâm sự.

* Yêu thương vô bờ

Theo BS Thanh, đối với những ca sinh cực non như bé A., việc chăm sóc, điều trị cực kỳ khó khăn vì tuổi thai càng thấp thì nguy cơ trẻ tử vong càng cao, đặc biệt là những trẻ dưới 26 tuần tuổi thai. Các bác sĩ, điều dưỡng phải tính toán chi li, cực kỳ cẩn trọng trong chăm sóc, điều trị để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Điều dưỡng Trần Tôn Nữ Anh Ty bộc bạch, ngoài việc thực hiện y lệnh của bác sĩ, các điều dưỡng trong khoa phải luôn bám sát, không được rời mắt khỏi trẻ. Mọi chỉ số sinh tồn, dấu hiệu bất thường của trẻ cần được phát hiện và xử lý ngay. Với những trẻ bị bệnh nặng, việc theo dõi phân và nước tiểu được chú trọng đặc biệt. Cứ 3 giờ/lần, điều dưỡng lại cho trẻ ăn, thay bỉm, đổi tư thế nằm, hút nhớt dịch cho trẻ. Việc cho trẻ ăn được thực hiện một cách khoa học với sự tính toán kỹ lưỡng, thận trọng. Bởi trẻ sinh non là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, sức chịu đựng kém nên đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt.

Điều dưỡng Anh Ty nhớ lại, trước đây khoa từng chăm sóc, điều trị cho một trẻ sinh non chỉ nặng 600g. Em bé được chăm sóc rất tận tình trong thời gian dài tại khoa và có tiến triển khả quan. Tuy nhiên, sau đó em bé bị viêm ruột hoại tử, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM điều trị hơn 2 tháng. Thế nhưng, bệnh viêm phổi đã khiến bé không qua khỏi.

Cũng theo chị Anh Ty, trẻ sinh non phải nằm trong lồng ấp, điều dưỡng phải cài độ ẩm phù hợp, phải có máy thở phù hợp với trẻ sinh non, có thuốc bơm nở phổi, máy siêu âm tim, siêu âm bụng, X-quang tại giường. Việc truyền dịch, nước ra vào phải tính toán chi li từng chút một. Trước khi chăm sóc trẻ, nhân viên phải sát khuẩn tay sạch sẽ, bởi chỉ một chút sơ suất có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn, nguy hiểm đến tính mạng.

“Điều mà nhân viên y tế vô cùng lo sợ khi chăm sóc trẻ sinh non là tình trạng trẻ bị viêm ruột hoại tử. Lúc này bụng trẻ sẽ xì ra và rất khó chữa trị, hầu như đều tử vong” - chị Ty nói.

Do yêu cầu vô khuẩn nghiêm ngặt nên hầu như chỉ có nhân viên y tế được tiếp cận, chăm sóc trẻ, người nhà không được vào nơi trẻ nằm. Vì thế, ngoài trách nhiệm của người thầy thuốc, các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa còn có tình yêu thương của người mẹ để giúp trẻ có thêm sức mạnh, vượt qua giai đoạn khó khăn đầu đời. Điều mà các bác sĩ, điều dưỡng vui nhất là khi trẻ bình phục tốt, được xuất viện về nhà.

An Yên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/tan-tinh-cham-soc-tre-sinh-non-3906016/