Tân Tổng thống Mi-an-ma nhậm chức: Thời kỳ trăng mật liệu có kéo dài?

Ngày 30-3, ông Tin Chô, 69 tuổi, thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mi-an-ma. Ông là tổng thống dân sự đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này trong nhiều thập kỷ qua.

Tân Tổng thống Tin Chô và Chủ tịch NLD Xan Xu Chi tại buổi lễ nhậm chức trước Quốc hội ở thủ đô Nây Pi Đô. Ảnh: The Guardian/EPA

Tân Tổng thống Tin Chô và Chủ tịch NLD Xan Xu Chi tại buổi lễ nhậm chức trước Quốc hội ở thủ đô Nây Pi Đô. Ảnh: The Guardian/EPA

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Liên bang sau khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức, Tân Tổng thống Tin Chô đã cam kết thực thi 4 chính sách dựa trên những những chính sách của NLD, đó là: Nỗ lực vì hòa bình trên toàn quốc, hòa giải dân tộc, nâng cao mức sống của người dân, và kiên trì thực thi các mục tiêu chính trị. Tân Tổng thống nhấn mạnh, nội các Mi-an-ma có trách nhiệm đáp ứng những nguyện vọng của người dân để soạn ra một bản hiến pháp phù hợp với chế độ dân chủ của nước này.

Việc chuyển từ chính quyền quân sự sang chính phủ dân cử cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển chính trị ở Mi-an-ma, song đây mới là sự khởi đầu của một tiến trình. Một loạt các vấn đề mà Mi-an-ma đang phải đối mặt, trong đó có sự chi phối của giới quân sự đang là những thách thức không nhỏ đối với chính phủ mới.

Mi-an-ma đã trải qua một chặng đường dài kể từ năm 2011, khi chính quyền sắp mãn nhiệm do quân đội ủng hộ của Tổng thống Thên Xên đưa ra các cải cách mạnh mẽ, giúp chấm dứt các lệnh trừng phạt của phương Tây và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Mi-an-ma hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo tăng trưởng đạt 8% trong năm 2016.

Ông Han-tha Min, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế của NLD, cho rằng các công việc gia công tay nghề thấp sẽ là chìa khóa để tạo việc làm, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng năng suất nông nghiệp. Theo ông, Mi-an-ma cần ưu tiên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ như đồ chơi, hàng dệt may…, chứ không phải những mặt hàng công nghệ cao. Bên cạnh đó, đầu tư cho điện lực, đường xá và cảng biển cũng như giáo dục và đào tạo để xây dựng vốn con người cũng rất quan trọng.

Tuy nhiên, Mi-an-ma vẫn còn bộ máy hành chính cồng kềnh, tham nhũng và làm ăn bất hợp pháp ở quy mô lớn vẫn phát triển mạnh. Giới phân tích cho rằng những khó khăn trước mắt là rất lớn do NLD thiếu kinh nghiệm điều hành đất nước.

Quan hệ của NLD với các tướng lĩnh quân đội là rất quan trọng. Quân đội đã cam kết ủng hộ tiến trình chuyển tiếp dân sự theo các điều kiện của họ. Dẫu vẫn còn những chia rẽ và nghi kị lẫn nhau, song việc quân đội chấp thuận để NLD lên nắm quyền được xem là bước tiến quan trọng giúp Mi-an-ma chuyển giao quyền lực êm thấm.

Sự hợp tác của NLD với quân đội trong môi trường dân chủ mới là nhân tố quan trọng đối với tương lai chính trị của Mi-an-ma. Hiến pháp không cho phép bà Xan Xu Chi trở thành tổng thống, song bà từng khẳng định vị trí của bà trong chính phủ mới sẽ “đứng trên Tổng thống”. Phát biểu của bà phản ánh thực tế chính trị hiện nay ở Mi-an-ma, khi Tân Tổng thống Tin Chô là người bạn trung thành của bà lâu nay, và bà vừa được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, đồng thời kiêm nhiệm 3 chức bộ trưởng khác gồm Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục, và Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng.

Chính phủ mới của NLD mặc dù có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, song trên thực tế quân đội Mi-an-ma vẫn có quyền lực lớn và hiến pháp vẫn bảo đảm vị thế chính trị đáng kể cho quân đội. Bất kỳ cải cách nào của chính phủ mới, nếu vấp phải các lợi ích này, sẽ dẫn tới những mâu thuẫn và căng thẳng mới về chính trị.

Ngoài ra, chính phủ mới của ông Tin Chô cũng cần giải quyết các vấn đề cấp bách và đầy thách thức như quyền tự trị của các dân tộc thiểu số, bảo vệ quyền lợi của người Hồi giáo, phát triển kinh tế và công bằng xã hội.

Như Trung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tan-tong-thong-mi-an-ma-nham-chuc-thoi-ky-trang-mat-lieu-co-keo-dai/