Tân Uyên phát triển cây sơn tra và quế

Từ năm 2012 Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên (Lai Châu) trồng cây sơn tra vào đất rừng phòng hộ, nay thêm cây quế.

Điều ngạc nhiên, đến nay cây sơn tra đã cho thu hoạch, tạo ra niềm tin cho người dân về cây trồng mới vốn xa lạ với họ.

 Rừng trồng và rừng tái sinh bản Nà Phát, xã Nậm Cần đã lên xanh tốt.

Rừng trồng và rừng tái sinh bản Nà Phát, xã Nậm Cần đã lên xanh tốt.

Năm 2008 huyện Tân Uyên được tách ra từ huyện Than Uyên, có tổng diện tích đất tự nhiên 90.326,75ha, với 10 đơn vị hành chính cấp xã: Mường Khoa, Phúc Khoa, Nậm Sỏ, Nậm Cần, Thân Thuộc, Trung Đồng, Hố Mít, Pắc Ta, Tà Mít và thị trấn Tân Uyên. Trong đó có hơn 32.000ha rừng, bao gồm 29.236,01ha rừng tự nhiên, 1.832,69ha rừng trồng.

Tôi từng nhiều năm sống ở Tân Uyên nên hiểu rõ mảnh đất này, vào mùa khô bà con thường đốt rừng làm nương rẫy và chăn thả gia súc, khiến nhiều cánh rừng bị đốt cháy liên miên cả tháng trời. Sau nhiều thập niên hàng ngàn ha rừng biến khỏi mặt đất, tỷ lệ che phủ rừng khi đó chỉ có 24,28 %, vào mùa khô nắng, nóng ngột ngạt nhiều người đổ cả máu cam.

Tân Uyên là lưu vực của nhiều con suối lớn chảy từ sườn Tây dãy Hoàng Liên gồm Nậm Mu, Nậm Be, Nậm Bon, Hua Cả, Hua Chăng, Nậm Mít…, là nơi dự trữ nguồn điện năng to lớn vùng Tây Bắc. Thế nhưng, do rừng bị đốt phá nên hàng năm Tân Uyên chịu nhiều trận lũ thảm khốc, trận lũ đá kinh hoàng trút xuống các bản Co Ngựu, Nà Lại, Nậm Be xã Mường Khoa (nay là Phúc Khoa) tháng 8/1987 khiến nhiều người không thể nào quên.

Với hàng ngàn ha đất trống đồi núi trọc đặt ra cho việc trồng rừng ở Tân Uyên như thế nào để giúp người dân phát triển kinh tế và giữ được rừng? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Rừng tái sinh bản Nậm Sỏ, xã Nậm sỏ.

Ông Phạm Ngọc Đoàn Trưởng Ban QLRPH huyện Tân Uyên cho biết: Năm 2012 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ cho người dân bản Ngam Ka, xã Nậm Sỏ cây giống để trồng 3ha cây sơn tra trên đất rừng phòng hộ. Ban QLRPH phải giấu huyện cho dân “trồng trộm”, chỉ khi cây phát triển tốt mới dám báo cáo. Đến nay cây đã cho quả, mặc dù chưa nhiều, nhưng điều đó khẳng định cây sơn tra phát triển tốt trên đất Tân Uyên, giúp người dân có nguồn thu, để họ bảo vệ rừng tốt hơn làm cơ sở để mở rộng diện tích trồng sơn tra…

Theo báo cáo của Ban QLRPH Tân Uyên, đến nay toàn huyện đã trồng được 370ha sơn tra tập trung ở các xã Nậm Sỏ, Mường Khoa và Hố Mít trên độ cao từ 800m trở lên. Đây là đai rừng trồng các loại cây lâm nghiệp khác không chịu được giá lạnh và gió, trong khi đó cây sơn tra lại phát triển rất tốt.

Bà con bản Ngam Ka mang sơn tra bán cho khách qua đường.

Cùng với cây sơn tra, huyện Tân Uyên đã vận động người dân trồng quế. Sau khi trồng thí điểm ở một số xã, thấy cây quế phát triển tốt, tỉnh Lai Châu đã xây dựng đề án phát triển hai loại cây sơn tra và quế. Giống quế du nhập về trồng là giống quế Văn Yên (Yên Bái) có lượng tinh dầu cao, chất lượng tốt đã được khách hàng trong nước và thế giới tin dùng.

Từ năm 2015 đến nay huyện Tân Uyên đã trồng 1.993,26ha quế, trong đó tập trung ở những xã có diện tích đất trống đồi núi trọc lớn Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít và Pắc Ta.

Ban QLRPH phối hợp với kiểm lâm và chính quyền địa phương cùng với người dân tích cực bảo vệ và trồng rừng, mùa khô 2018 - 2019 Tân Uyên chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy hơn 30ha cây trồng chưa thành rừng. So với nhiều năm trước đây các vụ cháy rừng đã giảm rất nhiều, chính vì điều đó tỷ lệ che phủ rừng của Tân Uyên hiện nay được nâng lên 38,52%.

"Tỉnh Lai Châu đã xây dựng đề án phát triển cây quế và cây sơn tra với mức hỗ trợ 1ha trồng quế, mật độ 5.000 cây/ha là 16,32 triệu. Trồng cây sơn tra mật độ 1.600 cây/ha, trong đó có 1.200 cây sơn tra, 400 cây lâm nghiệp khác, mức hỗ trợ 9,18 triệu/ha. Đến nay tỉnh Lai Châu đã trồng 1.900ha sơn tra, 6.000ha quế. Điều chúng tôi mừng nhất là người dân vùng cao trước đây chỉ biết phá rừng làm nương, nay họ đã bắt tay vào trồng rừng và giữ rừng…"

Ông Nguyễn Văn Biển - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu.

THÁI SINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tan-uyen-phat-trien-cay-son-tra-va-que-post246725.html