Tấn và vết căn nguyên

Với khoảng 36 bức tranh chất liệu sơn dầu - cách thể nghiệm, chủ đề mang tên VẾT CĂN NGUYÊN, trong suốt nhiều tháng qua, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn không ngừng nỗ lực chuẩn bị cho cuộc triển lãm cá nhân sẽ diễn ra tại TPHCM vào thời gian sắp đến.

Với khoảng 36 bức tranh chất liệu sơn dầu - cách thể nghiệm, chủ đề mang tên VẾT CĂN NGUYÊN, trong suốt nhiều tháng qua, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn không ngừng nỗ lực chuẩn bị cho cuộc triển lãm cá nhân sẽ diễn ra tại TPHCM vào thời gian sắp đến.

Đêm rơi miền vũ trụ.

Đêm rơi miền vũ trụ.

Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh ngày 24 tháng 4 năm 1973, tại Hải Châu (Đà Nẵng).

Hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng bằng nghề Thiết kế Mỹ Thuật, làm thơ, vẽ tranh sơn dầu... Anh đã có đây đó vài cuộc trưng bày tranh, trình diễn, xếp đặt tại Hà Nội, Huế... Ngoài vẽ, anh còn là một nhà thơ đã xuất bản hai thi phẩm "Men da", "Que than"...

Hơn 20 năm trước, trong một lần ghé thăm đứa em trai út, gặp lúc khó khăn đang mở một trại nuôi gà kiếm sống qua ngày tại Cẩm Châu, vùng ngoại thành Hội An, tôi thật bất ngờ, khi nhìn thấy nơi đây- từ một chái tranh che tạm kề cận trại gà giăng đầy những bức tranh sơn dầu bề bộn, vẽ dở dang..., một gã thanh niên tóc tai rối bù, dừng tay, bước ra chào hỏi. Em trai tôi giới thiệu: đây là người bạn họa sĩ ở Đà Nẵng vào chơi, ở lại vài tuần để tìm cảm hứng sáng tác... Và đó là lần đầu tiên tôi gặp Huỳnh Lê Nhật Tấn. Để rồi nhiều năm về sau, tôi không còn ngạc nhiên khi biết Tấn không chỉ dấn thân hết mình vào con đường hội họa, mà còn tạo dựng một cõi thi ca, cùng những khát vọng lạ lùng...

Tấn có một khởi đầu thuận lợi, bởi y là con trai của ông chủ Nhà xuất bản Da Vàng, nơi đã cho ra mắt hàng loạt tác phẩm văn học nghệ thuật của Đà Nẵng thời trước 1975, từng giới thiệu những tên tuổi đình đám như: Nguyễn Nho Nhượn, Đinh Trầm Ca, Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Nguyễn Đông Giang, Thiếu Khanh, A Khuê, Lương Thái Sĩ... Do đó, cái không khí gia đình cùng những mối liên hệ chung quanh, chắc hẳn có những tác động, ảnh hưởng nhất định đối với Tấn.

Ngược chiều.

Ở lĩnh vực thi ca, Tấn như kẻ lữ hành tự chọn cho mình một lối đi hoang mạc, không mấy kẻ đồng hành, hay nói đúng hơn là dòng thơ khô khốc, khó hiểu... mà ngày nay thường được gọi là hậu hiện đại. "Gió rít truyền con chữ vô hình vo tròn bay/ tôi không còn lựa chọn là cất tiếng cười điên dại/ Tôi vẽ đã lau đi hơi mù trên kính khung cửa sổ bụi/ nước mắt đông đợi sang mùa chảy..."(Đám khói hỗn loạn).

Ở mảng sáng tác mỹ thuật, cuộc triển lãm tranh đồ họa "Những góc lặng" của Huỳnh Lê Nhật Tấn trưng bày tại Đà Nẵng và Hà Nội vào năm 2009, được xem là "phổ" những ý tưởng thơ thành đồ họa, mà theo Tấn: "vì tập thơ có nhiều hình ảnh, có nhiều "tâm sự" mà ngôn từ không nói hết được, nên tôi đành chuyển sang đồ họa, với hy vọng là nó sẽ thoáng đạt và dễ gần hơn. Qua cách tôi nhìn vào đời sống đô thị hiện đại, tôi hy vọng mình có thể nói lên được thân phận của những cuộc đời bị hoàn cảnh sống làm đổi thay chóng mặt. Đến với triển lãm này, đơn giản là tôi muốn mang thơ vào phạm trù khác. Thơ tôi trình diễn và sắp đặt theo sơ đồ hình tôi vẽ. Một câu thơ được mường tượng bằng đồ họa vi tính và sẽ được hoàn thiện dần dần trong cách cảm, cách nghĩ của người xem".

Đôi mắt bò tót.

Đã 10 năm trôi qua kể từ triển lãm lần đầu, giờ đây, với chủ đề tranh sơn dầu "Vết căn nguyên" dự kiến cho cuộc triển lãm sắp đến, một lần nữa Huỳnh Lê Nhật Tấn như một cách khẳng định con đường sáng tạo cá biệt của mình. Hơn 36 bức tranh qua những tựa đề: Cuồng nộ, Đoạn trường, Đường tròn vòng sinh, Đường vây tội lỗi, Giai cảm sống, Giao hưởng thanh âm, Giọt linh hồn rơi vào đêm, Gọi hai tiếng âm dương, Hủy diệt lòng bàn tay đen, Lời độc địa, mắt lá, Nhìn sự rỗng không của thế gian, Những hạt giống nẩy mầm, Ô vàng trên ngôi vị quyền lực..., gần như ở mỗi tác phẩm đều mang những nỗi dày vò, trăn trở khốc liệt về tình yêu, cuộc sống và sự sáng tạo. Tự sự về những tác phẩm mỹ thuật mới ra đời, trên trang facebook của Tấn thường kèm theo những dòng thơ tự do: "Nơi siết chặt màu xanh. Con đường dẻo dai mầu nhiệm. Anh đợi trăm ngả từng buổi mai, nguyện dâng thủy triều buông thả đan áo ánh dương ngày, cho tên em sóng sánh..." (Lời nguyện). Hoặc: "Thế gian lên xuống vùng trời xanh. Đôi lúc thâm tâm lượm thành không muốn nói, ngồi le lưỡi Đười Ươi đen đủi một mình. Nghiệm chớp nghĩ giống người ta ví loài cỏ cây, hoa lá cành khác biệt muôn thuở. Đời ngọt đắng chát chua vô vị, muôn mảnh vỡ nối tìm nhau, nhìn qua tiếng duyên thì thào. Mở cửa lòng hơn thua có không mãi đánh đổi. Thì cứ thế mà há miệng nụ cười hoa" (Một ngõ quanh co).

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, người bạn thân thiết của Tấn đã chia sẻ những đồng cảm về phòng tranh "Vết căn nguyên": Tranh Tấn suốt một thời gian dài luôn ở trong tình trạng căng thẳng, ngấp ngứ đến mức bị sốc màu, bị đe dọa của một nghệ sĩ nhạy cảm, đa lụy có thể bật ra, chạm tới của quá nhiều vấn đề. Từ vị trí tiền vệ cây cọ đã trở thành phản vệ. Để người xem lạc vào một gam màu tối tuyền duy nhất của tiếng nói -câm- độc-lộ. Khi bàn tay khỏa màu lên toan, bây bét, vụng dại, khươ điên đầy ắp những ký hiệu đen ám chỉ. Tôi luôn thấy trên tranh Tấn những tiếng thét câm... Lại phải viện dẫn Picasso trong nghĩa phá hủy lập thể: "Thế giới hôm nay không mang những ý nghĩa gì, sao tôi lại phải vẽ những bức tranh mang ý nghĩa?".

Còn nhà thơ Trần Tuấn nêu nhận định: "Tranh hắn nhiều bức như là cuộc sắp đặt các ký hiệu. Nhiều bức rất chật chội khiến kẻ xem cứ phải tìm mọi cách quẫy cựa. Và nhiều bức thấy trong đó rất nhiều tâm linh. Tâm linh là gì? Tranh hắn đôi lúc gần với một dạng thức tranh thần linh, thần thánh, như thường thấy ở các bộ lạc, các tộc người. Ở đó nó không cho thấy ranh giới thời gian, hoặc nếu có thì đó là một gạch- nối-đột-ngột giữa cổ nguyên sinh với hiện đại. Những cú nhảy đột ngột tư duy, ngôn ngữ luôn là đặc trưng trong tranh (và cả thơ) hắn. Không mách bảo trước điều gì". Tôi cũng đồng ý với Trần Tuấn khi cho rằng: "Có người nói tranh hắn "giống" với Munch "Tiếng thét". Edvard Munch (1863-1944), danh họa người Na Uy của trường phái biểu hiện (Expressionism), mà nơi ấy, tiếng thét vô thanh vọng đến tâm thức cô độc, khắc khoải của chàng nghệ sĩ, như tiếng phun trào vọng đến của núi lửa nào đó chẳng hạn...

Trần Trung Sáng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_222455_tan-va-vet-can-nguyen.aspx