Tăng chất lượng khám chữa bệnh sẽ giảm 'chảy máu' ngoại tệ

Thời gian qua, các bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người bệnh, song với những bệnh nhân có 'yêu cầu cao', một số bệnh viện tuyến trung ương vẫn chưa đáp ứng được, dẫn đến tình trạng 'chảy máu' ngoại tệ. Để có thể giữ chân bệnh nhân, các cơ sở y tế cần làm tốt hơn việc cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, môi trường dịch vụ thân thiện và thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Trong khi lượng lớn người Việt ra nước ngoài chữa bệnh thì cũng có nhiều bệnh nhân nước ngoài tin tưởng vào trình độ của bác sỹ Việt Nam. Ảnh: DN.

Thất thu 2 tỷ USD/năm

Theo ước tính của Bộ Y tế, trong năm 2018 có khoảng 50.000 lượt bệnh nhân trong nước ra nước ngoài điều trị làm “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD, một con số quá lớn so với một nước đang phát triển như Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, là không ít cơ sở y tế mới chỉ tập trung vào giảm tải, tập trung khám chữa bệnh thông thường mà chưa đầu tư phát triển kỹ thuật cao, chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn diện. Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều người đã ra nước ngoài chữa bệnh, lí do họ chọn “xuất ngoại” chữa bệnh không phải vì trình độ bác sỹ không bảo đảm mà điều họ tìm kiếm ở nước ngoài là được khám chữa bệnh trong môi trường không quá tải, cơ sở vật chất hiện đại, thái độ phục vụ tận tình và tôn trọng bệnh nhân.

Để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện khám chữa bệnh chất lượng cao, Bộ Y tế đang xây dựng quy định về giá giường bệnh dịch vụ phù hợp với các đối tượng khác nhau. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện nay nhu cầu về khám chữa bệnh của người dân rất lớn. Nếu các bệnh viện trong nước không đáp ứng được nhu cầu này thì đa số người bệnh này sẽ ra nước ngoài để khám chữa bệnh.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, các bác sỹ của Việt Nam rất giỏi, nhiều người thường xuyên được mời ra nước ngoài khám chữa bệnh. Nếu các bệnh viện xây dựng được khu khám chữa bệnh chất lượng cao, người dân sẽ không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh. Như vậy, người bệnh sẽ giảm được rất nhiều chi phí mà chất lượng không thua kém thế giới, còn bệnh viện lại có nguồn thu để tái đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Minh chứng cho điều này, ông Liên cho biết thêm, theo thống kê mỗi năm người Việt Nam bỏ ra số tiền khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh, nếu có cơ chế để giữ lại chỉ một nửa số này thì mỗi năm chúng ta giữ lại được trong nước 20- 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện Việt Nam có khoảng 200- 500.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, nếu các cơ sở y tế tạo dựng được các phòng bệnh chất lượng cao thì nhóm đối tượng người bệnh này sẽ không phải trở về nước để chữa bệnh và chúng ta có thêm nguồn thu để dựng xây đất nước.

Là một người từng nhận được lời mời sang Nhật chữa bệnh, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, thời gian trước ông nhận được lời mời sang Nhật chữa bệnh nhưng ông vẫn quyết định thực hiện đặt 3 stent mạch vành ngay tại Viện Tim mạch quốc gia. Việc đặt stent này do chính học trò của ông thực hiện. Chỉ sau 2 ngày thực hiện ca phẫu thuật, sức khỏe của ông đã ổn định. “Hằng năm, người Việt Nam chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh chủ yếu xuất phát từ tâm lý sính ngoại, chứ không phải Việt Nam thiếu bác sỹ giỏi. Tâm lý này không chỉ có ở người Việt Nam mà ngay tại Singapore, Hàn Quốc, Đức- nơi người Việt vẫn đổ sang khám, chữa bệnh, không ít người dân nước họ lại tìm đến các quốc gia khác như Mỹ, Anh chữa bệnh”, GS.TS Phạm Gia Khải nói.

Còn ông Joel Leroy, người Pháp, chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa, cũng là người đồng hành - có công sáng lập Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn luôn đánh giá cao trình độ tay nghề của các y bác sỹ Việt Nam, đã triển khai được nhiều kỹ thuật y khoa tương đương thế giới. Tuy nhiên, ông Joel Leroy cũng lo ngại về tình trạng “chảy máu” ngoại tệ khi người dân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Theo ông, nếu số tiền này được đầu tư phát triển kỹ thuật, hạ tầng y khoa sẽ giúp cho việc ứng dụng được ngày càng nhiều kỹ thuật mới.

"Tăng để giữ"

Để có thể hạn chế tình trạng “chảy máu” ngoại tệ, theo ý kiến của người đứng đầu ngành Y tế, không có cách nào khác ngoài việc các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cả những bệnh nhân khó tính nhất. Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều bệnh viện đang được xây mới hiện đại như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 thì nhiều bệnh viện tuyến trung ương khác như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Nội tiết trung ương… đã đầu tư thêm các khu khám chữa bệnh dịch vụ cao đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Tất nhiên, đi liền với chất lượng cao, giá của các khu khám chữa bệnh dịch vụ này cũng cao hơn giá khám chữa bệnh thông thường. Và hiện dư luận đang quan tâm đến quy định của Bộ Y tế cho phép các bệnh viện xây dựng giá giường bệnh dịch vụ phù hợp với nhu cầu, tương xứng với chất lượng, dao động từ vài trăm đến vài triệu/ngày.

Về điều này, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng giá giường bệnh quá cao, tương ứng với giá khách sạn 5 sao, không phù hợp với phần lớn bệnh nhân, song theo biện giải của đại diện Bộ Y tế, giường dịch vụ là phục vụ cho bệnh nhân có nhu cầu, có khả năng chi trả. Bên cạnh đó, giá giường cao phải đảm bảo tiêu chuẩn tương xứng, kèm theo đó là chế độ phục vụ, điều dưỡng túc trực, không có chuyện bệnh viện muốn thu giá nào cũng được.

Ông Nguyễn Nam Liên khẳng định, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo đủ giường bệnh thông thường sau đó mới tiến hành khai thác giường dịch vụ, vậy nên người bệnh có thể yên tâm khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở này. "Việc xây dựng các giường dịch vụ chỉ nhằm giữ chân những người mong muốn được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế tốt mà không cần phải ra nước ngoài điều trị", Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính nêu.

Trả lời câu hỏi mà nhiều người quan tâm, liệu có tình trạng các cơ sở y tế dồn bệnh nhân để lấy giường dịch vụ?”, ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, tại Bệnh viện có các mức giá giường bệnh khác nhau; với phòng riêng điều trị theo yêu cầu (dịch vụ - PV) cao nhất 3 triệu đồng/phòng/ngày. Và cũng không có chuyện dồn bệnh nhân BHYT để lấy “đất” cho giường dịch vụ. Các khu phòng của bệnh nhân BHYT đều được nâng cấp và đảm bảo điều kiện cơ bản, sạch sẽ. Tuy nhiên, GS. Giang cũng nhìn nhận, một số khoa của bệnh viện hiện còn quá đông bệnh nhân như chấn thương chỉnh hình, không gian phòng bệnh chật chội.

Về phía Bộ Y tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để người Việt Nam không phải ra nước ngoài chữa bệnh, ngoài việc nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, giường bệnh chất lượng cao, trình độ y, bác sỹ mà các cơ sở y tế cần cải thiện chất lượng phục vụ, quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, tâm, sinh lý của bệnh nhân, cải cách thủ tục hành chính, giảm quá tải bệnh viện. Cụ thể, theo Bộ trưởng Y tế, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiến tới bỏ thanh toán tiền mặt, không giấy tờ trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh, chú trọng các khu khám bệnh chất lượng cao nhằm mong muốn đưa một dịch vụ tối ưu cho tất cả các bệnh nhân, kể cả những người khó tính.

“Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc, dịch vụ tư vấn, dịch vụ hỗ trợ thông tin cho người bệnh và người nhà; xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu ở các trung tâm hành chính lớn, các khu du lịch trọng điểm để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tang-chat-luong-kham-chua-benh-se-giam-chay-mau-ngoai-te-110290.html