Tăng cường an toàn lao động lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những lĩnh vực sản xuất thường xuyên xảy ra tai nạn lao động, chính vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm để giảm thiểu tại nạn đối với người lao động.

Rủi ro tai nạn lao động ở mức cao

Theo Bộ Lao động – Thương binh, Xã hội, trong những năm gần đây, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản nói chung, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng. Đồng thời việc chấp hành pháp luật lao động, đặc biệt là an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động làm việc trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.

Thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm để giảm thiểu tại nạn lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Số liệu thống kê trên toàn quốc trong năm 2017 cho thấy, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiếm 9,2% tổng số vụ tai nạn lao động và 8,8% tổng số người chết. Nhiều vụ tai nạn lao động chết người cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra, như: Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) làm 18 người chết; sập mỏ đá tại núi Hang Cá (xã Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa) làm 8 người chết; sập lò vôi tại Kinh Môn (Hải Dương) làm 5 người chết, sập mỏ đất thôn Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng làm 5 người tử vong...

Tương tự trong năm 2018, qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng liên tiếp ghi nhận những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình khai thác cát sỏi, khai thác đã, sản xuất vật liệu xây dựng… tại nhiều địa phương. Thế nhưng, theo các chuyên gia, đây cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì khai khác, chế biến khoáng sản là một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông, không có giao kết hợp đồng lao động và chưa báo cáo, thống kê đầy đủ các vụ tai nạn lao động.

Hơn thế, nhiều trong số những người lao động làm việc trong lĩnh vực này chưa quen với phương thức sản xuất công nghiệp, nhiều lao động tại vị trí làm việc nguy hiểm, như: Làm việc trên cao, tiếp xúc với vật liệu nổ, nguồn điện… nhưng chưa lường hết được nguy cơ tai nạn lao động nên đã bỏ qua các quy định, quy trình chuẩn về an toàn lao động, không tự giác sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân dẫn đến gây tai nạn cho chính mình và những người xung quanh.

Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng cũng chỉ ra nguyên nhân rất đáng lo ngại là nhiều chủ sử dụng lao động, vì nhiều lý do đã không quan tâm đến việc xây dựng quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh an toàn lao động, không phổ biến hướng dẫn, huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đẩy đủ cho người lao động trước khi tiến hành công việc; không đảm bảo điều kiện, phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động và môi trường làm việc an toàn cho người lao động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn…

Quyết liệt thực hiện Chiến dịch thanh tra lao động năm 2018

Do tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đứng thứ hai chỉ sau lĩnh vực xây dựng, cùng với các giải pháp tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, Bộ Lao động – Thương binh, Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức Chiến dịch thanh tra lao động năm 2018 với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vì an toàn, sức khỏe người lao động” nhằm mục đích nâng cao nhận thức và tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động và toàn thể xã hội.

Chiến dịch diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố, trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh, Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo kế hoạch thanh tra năm 2018 đã được phê duyệt.

Chiến dịch tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra tại ít nhất 500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc, từ đó kịp thời phát hiện, chẩn chỉnh và sẽ xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động. Đồng thời, phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục, nhất là sử đổi, bổ sung các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, Chiến dịch còn hướng tới thực hiện các mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2018, giảm thiểu số vụ tai nạn lao động chết người tại doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng từ mức 19,5% số vụ và 18,2% số người chết (theo báo cáo tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2017) xuống còn từ 10 -15% số vụ nghiêm trọng và số người chết xuống dưới 10% vì tai nạn lao động trong cả nước.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-an-toan-lao-dong-linh-vuc-khai-thac-khoang-san-lam-vat-lieu-xay-dung-111894.html