Tăng cường bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng

Ngày 10-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn số 3542/CÐ-BNN-TCLN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật.

Người dân huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) khắc phục thiệt hại sau trận lốc xoáy ngày 9-5. Ảnh: HỒNG TƯ

Theo đó, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8-8-2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Trong đó, tập trung tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng. Khẩn trương phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng

và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; rà soát gỗ thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp; rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất hoạt động công vụ đối với công chức kiểm lâm toàn quốc; xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm, vi phạm tác phong, lề lối làm việc, không hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường tuyên truyền về điển hình tốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng…

★ Ngày 10-5, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, yêu cầu các lực lượng thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi cháy rừng xảy ra.

★ Ngày 10-5 tại TP Ðà Nẵng tổ chức hội nghị công tác bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2017, các lực lượng phối hợp với địa phương đã thực hiện 519 đợt tuần tra, kiểm soát và truy quét tại rừng. Qua đó xử phạt 62 vụ vi phạm hành chính về quản lý rừng, lâm sản; phạt tiền 434,9 triệu đồng; tịch thu và chuyển giao, tái thả tự nhiên 70 động vật rừng sống, quý hiếm. Năm 2017, Ðà Nẵng không xảy ra cháy rừng.

★ Ngày 10-5, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, trong mấy ngày qua mưa dông và sạt lở đất xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Hải Dương, trận mưa to kéo dài rạng sáng 10-5 khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở TP Hải Dương bị ngập, trong đó có nhiều tuyến đường bị ngập sâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.

★ Khoảng 20 giờ đến 22 giờ ngày 9-5, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra lốc xoáy cường độ mạnh làm ba người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bán kiên cố bị tốc mái; ba phòng học, hai nhà hiệu bộ bị hư hỏng. Nhiều diện tích cây trồng, hoa màu bị gãy đổ, 1.200 con gia cầm bị chết do sập chuồng nuôi nhốt. Trước đó, trên địa bàn các huyện Thường Xuân và Cẩm Thủy cũng xảy ra mưa lớn, lốc xoáy làm thiệt hại nhiều tài sản, cây trồng.

★ Theo thống kê, tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 57 hộ bị ảnh hưởng thiên tai cần được di dời trong năm 2018. Các hộ cần được di dời theo đề xuất của các địa phương gồm 22 hộ tại huyện Phong Ðiền, 17 hộ tại huyện Quảng Ðiền và 18 hộ tại huyện Phú Lộc. Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hộ di dời và hỗ trợ cộng đồng khoảng ba tỷ đồng.

★ Tối 9-5, tại huyện biên giới Ea Súp (Ðác Lắc) xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm một người chết (do sét đánh), 184 nhà dân bị hư hỏng, trong đó có bảy nhà bị sập hoàn toàn, hàng chục héc-ta cây ăn quả và hoa màu của các hộ dân bị đổ, ngã. Ước tính thiệt hại hơn 6,6 tỷ đồng. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo có biện pháp hỗ trợ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

★ Tại tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn huyện Tân Châu đã xảy ra mưa dông làm tốc mái hai căn nhà. Ước giá trị thiệt hại khoảng 80 triệu đồng.

★ Những ngày qua, mưa dông kéo dài khiến nước trên tuyến kênh Hai Quý, qua phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long dâng cao, chảy xiết, gây sạt lở bờ kênh với chiều dài 40m, rộng 4-6m và đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở với chiều dài 230m, làm ảnh hưởng đến bảy hộ dân với 31 nhân khẩu.

★ Mặc dù lịch gieo trồng đã bắt đầu từ ngày 5-4, nhưng đến nay nhiều hồ chứa nước trong tỉnh Bình Thuận đã cạn kiệt, lượng nước hữu ích trong các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn còn 79 trong số 259,40 triệu m3, đạt hơn 30% so với dung tích thiết kế. Hiện có tới gần 10 nghìn ha diện tích cây lúa và cây màu, tập trung chủ yếu ở các huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình đang thiếu nước trầm trọng.

★ Ðể giảm ngập trong mùa mưa 2018, TP Hồ Chí Minh đã duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập. Ðến nay đã nạo vét được hơn 300 km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 10 tuyến kênh, rạch và cửa xả, sửa chữa 886 hầm ga, thay 368 cống bị xuống cấp. Thành phố cũng đang nghiên cứu thực hiện kế hoạch ký hợp đồng thuê dịch vụ vận hành máy bơm có công suất từ 27 đến 96 nghìn m3/giờ của Công ty Quang Trung để giải quyết vấn đề ngập nước do mưa tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/36356102-tang-cuong-bao-ve-ngan-chan-tinh-trang-pha-rung.html