Tăng cường bảo vệ, phát triển rừng

Nhằm bảo vệ bền vững diện tích rừng hiện có, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế từ rừng, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 48/KH-SNN về phát triển lâm nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, công tác bảo vệ, phát triển tốt 3 loại rừng trên địa bàn (rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

Mô hình trồng rừng của một gia đình tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Sơn Tùng

Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho thấy, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã xảy ra 106 vụ cháy rừng với diện tích 149,641ha, chủ yếu là cháy thảm thực bì dưới tán rừng, gây táp lá cây rừng 10-30%, không thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng; diện tích rừng trồng mới 1.586,71ha; chăm sóc rừng trung bình khoảng 2.186,88ha. Giá trị và chất lượng của rừng được nâng cao, góp phần tăng nguồn thu từ rừng. Nhờ đó đã tạo việc làm và giảm nghèo, ổn định đời sống người dân vùng có rừng, gần rừng; diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng được giao khoán hằng năm khoảng 6.400ha...

Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, đơn vị đang quản lý hơn 5.160ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Công tác quản lý bảo vệ rừng được chú trọng, song do phân định giữa rừng trồng với rừng phòng hộ chưa thỏa đáng dẫn tới tình trạng cháy rừng. Mặt khác, do chưa phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa khiến việc quản lý các loại rừng gặp nhiều khó khăn...

Là hộ dân trồng rừng tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: "Việc đầu tư, quy hoạch, mở rộng rừng đặc dụng tại khu vực Hương Sơn còn chậm do diện tích chủ yếu là núi đá, địa hình phức tạp, manh mún, rải rác... nên người dân rất khó trồng rừng".

Về phía địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho hay: "Những năm gần đây, Thạch Thất chú trọng quy hoạch đầu tư trồng rừng, song chưa nhiều; loài cây trồng còn đơn giản; giá trị sản xuất lâm nghiệp còn thấp; việc trồng rừng mang nặng yếu tố phủ xanh đất trống, đồi trọc, quảng canh... Tới đây, Thạch Thất cùng ngành Nông nghiệp tăng cường thực hiện các chương trình, dự án cải tạo, nâng cấp làm giàu rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp dưới tán rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình, kết nối du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại địa phương".

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết: "Sóc Sơn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập hồ sơ quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp đến từng lô, khoảnh; xác định cụ thể ranh giới trên bản đồ và ngoài thực địa; thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, bảo đảm diện tích rừng có chủ thể quản lý...".

Để khắc phục tồn tại, bất cập trong quy hoạch, bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên khẳng định: "Thời gian tới, Chi cục tập trung thực hiện cắm mốc ranh giới 3 loại rừng trên thực địa nhằm giúp người dân và chính quyền địa phương thuận lợi trong chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng".

Thông tin thêm về tình trạng rừng trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, hiện tổng diện tích rừng và chưa thành rừng khoảng 27.162,04ha. Trong đó, rừng đặc dụng 11.007,57ha, rừng phòng hộ 5.821,9ha, rừng sản xuất 10.332,57ha. "Thời gian tới, Sở tập trung thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo hướng phù hợp với thực tiễn từng địa phương; phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 6,2% vào năm 2025; tỷ lệ cây xanh từ 2m2 đến 3m2/người dân (hiện nay) lên 8-10m2/người dân (năm 2025) và đến năm 2030 đạt 10-15m2/người dân; đồng thời, tập trung làm giàu rừng tự nhiên; cải tạo, nâng cấp rừng đã trồng và trồng rừng mới trên đất chưa có rừng" - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/978498/tang-cuong-bao-ve-phat-trien-rung