Tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa vụ mùa mới gieo xạ

Sáng ngày 19/7, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp giao ban công tác ứng phó với cơn bão số 3. Chủ trì cuộc họp ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm 18/7, sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, bão số 3 đã và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Ở ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Hồi 04h00 ngày 19/07, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Từ chiều và đêm qua ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to (70-150mm).

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và tiếp tục suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Báo cáo tại cuộc họp giao ban sáng nay ngày 19/7 ông Nguyễn Văn Hải, Phó cục trưởng cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết mưa rất lớn đã gây ngập lụt vùng ven biển tại các tỉnh từ Nam Định đến Hà Tĩnh do ảnh hưởng của ATNĐ (đã tan). Mực nước trên hệ thống sông sẽ xuất hiện lũ từ BĐ1-BĐ2.

Bão đổ bộ vào thời kỳ triều cường nên nguy cơ cao gây ngập lụt và sạt lở mạnh khu vực ven biển. Hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn từ 200-300mm, có nơi trên 350mm làm gia tăng ngập úng và sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi.

Đã thông tin, hướng dẫn cho 56.553 phương tiện/237.363 người biết vị trí hướng di chuyển của bão số 3; đến 12h00 trưa ngày 18/7/2018, tất cả các tàu thuyền đã di chuyển thoát ra khí khu vực nguy hiểm. Tất cả các tỉnh đã tổ chức cấm biển trước 12h00 ngày 18/7/2018. Các tỉnh đã sẵn sàng kế hoạch sơ tán, di dời dân khu vực ven sông, ven biển. Đối với người lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được sơ tán trước khi bão đổ bộ.

Tính đến sáng ngày 19/7/2018, chưa có thông tin thiệt hại về tàu thuyền.

Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều báo cáo tình hình đê điều từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: Sự cố sạt mái phía đồng đê biển 5, tỉnh Thái Bình tại 05 đoạn từ K7+630-K7+650; K7+680-K7+720; K7+745-K7+770; K7+875-K7+895; K8+100-K8+130, với tổng chiều dài tuyến đê bị sạt lở là 135m. Đến 19h ngày 18/7 đã hoàn thành đóng hàng cừ giữ chân. Đang tiếp tục đắp cơ phản áp.

Tính đến sáng 19/7, chưa có thông tin về các hư hỏng, sự cố về đê điều do ảnh hưởng của bão số 3.

Ông Trần Quang Năng đại diện Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tình hình dự báo thời tiết tại cuộc họp

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo ông Nguyễn Đức Quang đề nghị Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các Công điện chỉ đạo của TW, sẵn sàng các phương án ứng phó; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin cảnh báo và hướng dẫn người dân ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở đất.

Khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả ngay sau khi bão đi qua; đặc biệt là sự cố hư hỏng đê biển 5 tỉnh Thái Bình.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa sau hoàn lưu bão, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa vụ mùa mới gieo xạ, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích lúa bị mất trắng.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt.

Các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Riêng tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/tang-cuong-bom-tieu-ung-de-han-che-thiet-hai-dien-tich-lua-vu-mua-moi-gieo-xa-1256038.html