Tăng cường các biện pháp giữ rừng

Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Nam rộng lớn (hơn 466.000ha); lại có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loại động, thực vật quý hiếm, đặc hữu của khu vực và của Việt Nam.

Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) luôn được tỉnh Quảng Nam chú trọng, triển khai bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc thành lập lực lượng BVR chuyên trách.

Từ cầu khe Vinh, xã Tà Pơơ, huyện miền núi Nam Giang, mất khoảng 15 phút đi xuồng máy trong lòng hồ thủy điện Sông bung 4, chúng tôi đến Trạm BVR khe Ru, thuộc Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Trạm BVR khe Ru được triển khai từ đầu năm 2020 đến nay. Xung quanh Trạm là những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phối hợp với Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tuần tra bảo vệ rừng.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phối hợp với Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tuần tra bảo vệ rừng.

Trước đây, khu vực này thường xảy ra các vụ phá rừng, “lâm tặc” sau khi chặt hạ cây đã lao gỗ xuống lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 để vận chuyển đến nơi tập kết rồi đưa đi tiêu thụ.

Nhưng kể từ khi có Trạm BVR khe Ru, đã giảm hẳn tình trạng phá rừng. Anh Hiên Kiều (SN 1998, trú xã Đắc Pre, huyện Nam Giang) là cán bộ Trạm BVR khe Ru cho biết, anh được tuyển chọn vào làm từ những ngày đầu thành lập Trạm khe Ru. Tại đây có 7 cán bộ BVR chuyên trách, chia ca thay phiên nhau trực và tuần tra BVR 24/24.

“Trung bình mỗi tuần chúng tôi tổ chức tuần tra trong rừng từ 3-4 ngày. Do đó, mỗi lần đi tuần tra là chúng tôi chuẩn bị sẵn lương khô, mùng màn, áo quần để có thể ở lại trong rừng nhiều ngày liền”, anh Kiều chia sẻ.

Còn anh Pơlong A Nhing (SN 1991, trú xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) cho hay, ngày trước anh là cán bộ nông nghiệp xã Tà Bhing. Sau quá trình tinh giản cán bộ xã, anh nghỉ làm việc ở xã và xin vào làm cán bộ BVR chuyên trách.

Từ ngày được hợp đồng vào làm cán bộ BVR chuyên trách, thu nhập hằng tháng của anh khá ổn định; trừ các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, mỗi tháng anh được nhận gần 3,5 triệu đồng. “Công việc làm có thu nhập ổn định nên tôi rất yên tâm công tác. Anh em ở Trạm BVR khe Ru ai nấy cũng rất phấn khởi, quyết tâm góp phần sức vào công tác BVR ở khu vực quản lý”, anh Nhing nói.

Ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, trao đổi rằng, để bảo vệ lâm phận có diện tích khoảng 76.000ha, Ban đã thành lập 16 trạm BVR chuyên trách. Các cán bộ BVR chuyên trách của đơn vị đa phần là người dân địa phương, Công an, bộ đội xuất ngũ có thể lực tốt nên bên cạnh việc đảm bảo công tác BVR đạt hiệu quả, còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở địa phương.

Nói về lực lượng BVR chuyên trách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết thêm, đến nay các BQL rừng, các địa phương đã tuyển chọn được 628 cán bộ BVR chuyên trách (hơn 90% là người địa phương). Phần lớn là những người có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học; Công an, bộ đội xuất ngũ có sức khỏe tốt và tâm huyết với công tác BVR.

Riêng tại huyện Nam Giang và Phước Sơn, lực lượng BVR chuyên trách là 324 người, chiếm hơn 51% tổng số lực lượng BVR chuyên trách toàn tỉnh; trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương chiếm hơn 86%. Lực lượng BVR chuyên trách của các chủ rừng sau khi được thành lập sẽ phối hợp cùng với Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ BVR trên phạm vi toàn tỉnh.

Lực lượng này từng bước được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trang bị các phương tiện bảo hộ, công cụ hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ BVR. Đây là lực lượng nòng cốt của chủ rừng thực hiện tuần tra BVR, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật khác về lâm nghiệp; thực hiện các phương án, biện pháp PCCC rừng, đồng thời vận động, tuyên truyền người dân các địa phương tham gia BVR, phòng cháy chữa cháy rừng…

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc tổ chức lực lượng BVR chuyên trách là hết sức cần thiết nhằm chấn chỉnh, kiện toàn lực lượng quản lý BVR. Ngoài việc thành lập lực lượng BVR chuyên trách, nhằm nâng cao hơn nữa công tác BVR tự nhiên trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phát động người dân miền núi trồng cây lấy gỗ làm nhà để giải quyết được một phần bài toán gỗ làm nhà trong tương lai gần cho người dân miền núi, góp phần thay đổi tập quán sử dụng gỗ tự nhiên làm nhà, không để xảy ra tình trạng xâm hại rừng tự nhiên.

Nhằm hỗ trợ người dân về cây giống, bước đầu Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị khoảng 400.000 cây xoan ta để cấp phát cho người dân 9 huyện miền núi của tỉnh. Dự kiến thời gian đến sẽ tiếp tục hỗ trợ các loại cây giống có giá trị khác cho người dân trồng như lim, gõ,…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang xây dựng tour du lịch trải nghiệm tuần tra BVR tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Việc tổ chức tour này không chỉ nhằm mục đích giúp người dân, du khách hiểu hơn về nỗi vất vả, khó khăn của công tác BVR tự nhiên mà còn thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác quản lý BVR trong cộng đồng.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tang-cuong-cac-bien-phap-giu-rung-598550/