Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Trước sự việc cháu bé N.P.H (SN 2018) bị ngã từ tòa nhà chung cư thuộc phường Thanh Xuân Trung, ngày 1/3, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã có công văn hỏa tốc 533/UBQGVTE-VP gửi một số Bộ liên quan, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Theo công văn 533/UBQGVTE-VP, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng dẫn đến tai nạn, thương tích nghiêm trọng và tử vong.

Cụ thể, ngày 28/2/2021, cháu bé N.P.H (SN 2018) bị ngã từ tòa nhà chung cư thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội và được người dân kịp thời cứu sống.

Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã.

Cụ thể, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.

Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng.

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh bé gái trèo qua lan can, lơ lửng ở tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân Trung, TP Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh bé gái trèo qua lan can, lơ lửng ở tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân Trung, TP Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.

Ngoài ra, Ủy ban Quốc gia về trẻ em cũng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em; tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-cho-tre-em-102225.html