Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng

Nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, 'vòi tiền', chung chi là những vấn đề được cử tri và nhân dân phản ánh, đề nghị phải có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm cần xử lý nghiêm khắc những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm đã bị phát hiện.

Nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng, lãng phí ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở. Tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Còn để xảy ra tình trạng người vi phạm trốn ra nước ngoài trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn. Việc xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng mặc dù đã được quan tâm hơn nhưng hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Đơn cử như việc xử lý bắt giam ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị cáo buộc tham nhũng trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG mà dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Đặc biệt vụ án nghiêm trọng liên quan đến 7 thanh tra giao thông ở Cần Thơ đã câu kết với các đối tượng ở bên ngoài nhận tiền hối lộ của 57 doanh nghiệp trong suốt nhiều năm để không bị kiểm tra.

Bị can Nguyễn Bắc Son (trái) và bị can Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN

Bị can Nguyễn Bắc Son (trái) và bị can Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN

Những vụ án tham nhũng, tiêu cực nêu trên đã gây bức xúc trong dư luận, nhưng nghiêm trọng hơn là nó đã góp phần hình thành nên suy nghĩ của không ít người cho rằng cứ tham nhũng, vi phạm nhưng đã nghỉ hưu là hạ cánh an toàn hoặc nếu bị phát hiện thì khắc phục hậu quả là tránh được tội hình sự…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám cho biết, cử tri và nhân dân rất phấn khởi trước những kết quả của công tác chống tham nhũng. Nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kể cả những vụ án liên quan tới cán bộ cao cấp. Riêng năm 2019, theo báo cáo của Chính phủ, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 423 vụ với 1.073 bị can phạm tội tham nhũng; Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 300 vụ, trên 672 bị can. Điều này chứng minh thái độ kiên quyết không khoan nhượng của Đảng, Nhà nước và khẳng định không có "vùng cấm" trong chống tham nhũng; qua đó củng cố, nâng cao lòng tin của người dân.

“Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn: Công tác chống tham nhũng đang được tiến hành mạnh mẽ, khẩn trương và đạt được nhiều kết quả nhưng trong chống lãng phí còn nhiều điều bức xúc. Nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc dở dang kéo dài, xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng đội vốn vẫn diễn ra. Thống kê có tới 245 dự án không hiệu quả. Nếu số liệu này là đúng thì quả là sự lãng phí đáng kể”, đại biểu Tô Văn Tám nhận xét.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa thì cho rằng: “Vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền xấu đi trong mắt của người dân”.

Đó là vụ việc các cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng sau khi lên thanh tra tại tỉnh Vĩnh Phúc đã “vòi tiền” các doanh nghiệp ở đây... Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng, thanh tra chuyên ngành không phải là cơ quan chống tham nhũng nhưng hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện sai phạm, ở đây là lĩnh vực xây dựng. Như vậy thanh tra chuyên ngành cũng góp phần phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực xây dựng để rồi chấn chỉnh khắc phục nhưng thông qua việc thanh tra như thế lại đi vi phạm thì dư luận, người dân bức xúc.

“Anh đi kiểm tra để phát hiện sai phạm mà anh lại sai phạm thì dân không đồng tình và các cơ quan chức năng cần soát xét lại để làm sao hoạt động thanh tra, kiểm tra đúng với ý nghĩa phát hiện ra sai phạm để xử lý”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến cho rằng: “Trong phòng, chống tham nhũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nhưng việc thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ rất thấp. Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp để việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả cao”.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa

Trước hiện tượng tham nhũng vặt nêu trên, ngày 17/6/2019 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Trước đó, ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Về cơ bản, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức đã tổ chức triển khai nghiêm túc và đạt được kết quả bước đầu, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Chiều 24/10/2019, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong một số lĩnh vực (hải quan, thuế, quản lý thị trường…) và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương và bộ, ngành. Đồng thời, dư luận xã hội cũng bức xúc về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác (điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ…).

Để chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm cao trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thực thi công vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định; đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên…

Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ án lớn mà nhân dân quan tâm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức”.

Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-ngua-dau-tranh-voi-tieu-cuc-tham-nhung-20191102160812481.htm