Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Căn cứ vào kết quả cuộc họp ngày 19/9/2023 của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đánh giá tình hình, kết quả đấu tranh chống khai thác IUU từ đầu năm 2023 đến nay, đề ra biện pháp đấu tranh chống khai thác IUU trong thời gian tới, quyết tâm thực hiện mục tiêu từ nay đến hết tháng 10/2023 phấn đấu không còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, ngày 26/9/2023, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Công văn số 4588/BĐBP-TM về việc tăng cường các biện pháp chống khai thác IUU, quyết tâm thực hiện mục tiêu từ nay đến hết tháng 10/2023 không còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU trước khi xuất bến. Ảnh: Duy Khiêm

Theo đó, Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu Bộ Tham mưu BĐBP chủ trì, phối hợp với các Cục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển, các Hải đoàn Biên phòng tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý tàu cá; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU.

Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh chống khai thác IUU. Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU của các cơ quan, đơn vị; tham mưu, đề xuất Thủ trưởng Bộ Tư lệnh nắm, chỉ đạo và báo cáo Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác IUU theo quy định. Tham mưu Bộ Tư lệnh có biện pháp xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị chấp hành không nghiêm túc nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác IUU.

Cục Chính trị BĐBP có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tham mưu, các Cục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị BĐBP tuyến biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác IUU. Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Quân đội xây dựng, đăng, phát sóng các tin, bài, phóng sự, chuyên mục “vì chủ quyền biên giới quốc gia”.

Các đơn vị làm công tác tuyên truyền như Báo Biên phòng, Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng xây dựng tin, bài đăng trên các báo, tăng thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương về công tác đấu tranh chống khai thác IUU.

Đối với Cục Trinh sát, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với Bộ Tham mưu chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, nhất là địa bàn trọng điểm; chú trọng điều tra, trinh sát, thu thập, củng cố tài liệu về những vụ việc có dấu hiệu nghi vấn vi phạm IUU, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá các đường dây, đối tượng có hoạt động môi giới, tổ chức cho tàu cá, ngư dân ta khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục chỉ đạo lực lượng trinh sát; lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm thuộc quyền thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, triển khai có hiệu quả các kế hoạch nghiệp vụ về đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về chống khai thác IUU, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ, tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý chặt chẽ tàu cá, ngư dân, tập trung vào nhóm tàu cá “nguy cơ cao” để kịp thời phát hiện dấu hiệu nghi vấn đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; phối hợp với Công an và các lực lượng chức năng điều tra, thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ, chứng cứ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về IUU.

Cục Cửa khẩu BĐBP chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng tại 14 cảng chỉ định, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, các lực lượng có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát 100% tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác đến các cảng chỉ định để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản trước khi thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tham mưu, các Cục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị (14 cảng chỉ định theo Hiệp định biện pháp các quốc gia có cảng) để quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản vào Việt Nam, kiên quyết không để xảy ra tình trạng sản phẩm thủy sản vi phạm khai thác IUU tuồn vào Việt Nam, vi phạm các quy định của Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng (PSMS).

Đồn Biên phòng cảng Hải Thịnh, BĐBP Nam Định tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân Ảnh: Duy Khiêm

Đối với Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển; các Hải đoàn Biên phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4”; Kế hoạch số 277/KH-BĐBP ngày 19/01/2023 của Bộ Tư lệnh về chống khai thác IUU năm 2023; Hướng dẫn số 225/HD-CCT ngày 02/3/2023 của Cục Chính trị về đợt cao điểm tuyên truyền chống khai thác IUU; Công văn số 3339/BĐBP-TM ngày 19/7/2023 của Bộ Tư lệnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát tàu cá trên địa bàn; Công văn số 698/CTS-PCPĐ, ngày 26/6/2023 của Cục Trinh sát về phương thức, thủ đoạn môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép; Công văn số 2676/BTM-QLB ngày 21/8/2023 của Bộ Tham mưu về việc tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU và nâng cao hiệu quả công tác Kiểm soát Biên phòng và các văn bản liên quan.

Bộ Tư lệnh BĐBP cũng yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót của các đơn vị đồn, trạm kiểm soát biên phòng trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá. Chủ động điều chỉnh, bố trí, sắp xếp cán bộ tăng cường cho các trạm kiểm soát biên phòng đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập, thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động, đặc biệt tại các đảo, bãi ngang, cửa sông, cửa lạch nơi tập trung nhiều tàu cá không đăng ký, không có giấy phép khai thác, không lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá...; bố trí lực lượng phối hợp với với các cơ quan quản lý thủy sản tại cảng cá trong việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm IUU, truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, củng cố lại toàn bộ danh sách, hồ sơ xử phạt vi phạm IUU; đặc biệt là hồ sơ xử phạt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thống nhất về số liệu tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để sẵn sàng cung cấp, phối hợp cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng làm việc với Đoàn EC khi đoàn đến làm việc tại địa phương.

Phối hợp với các cơ quan, cảng vụ để chuẩn bị tốt phương án làm việc với Đoàn EC tại cảng biển chỉ định cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng theo quy định của Hiệp định PSMA. Phối hợp với các cơ quan, cảng vụ để chuẩn bị tốt phương án làm việc với Đoàn EC tại cảng biển chỉ định cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng theo quy định của Hiệp định PSMA.

Khẩn trương rà soát và cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vi phạm hành chính vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại địa chỉ: https://vphc.tongcucthuysan.gov.vn/cms.ne. Hằng ngày, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố tổng hợp nắm rõ số lượng tàu cá ra vào xuất, nhập bến, hoạt động trên biển ở địa bàn đơn vị quản lý, trao đổi thông tin, tình hình với lực lượng: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư để phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cả trên biển...

Khai thác hiệu quả các thông tin, tình hình từ hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) để quản lý chặt chẽ đối với số tàu cá tàu có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường dài ngày từ địa phương này đến các địa phương khác; tàu cá vô hiệu hóa hoặc tháo gỡ thiết bị VMS; tàu cá vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài... Khi nắm được thông tin về các hành vi vi phạm IUU (từ tất cả các nguồn), khẩn trương tổ chức điều tra, xác minh kết luận về hành vi (cụ thể về thời gian, địa điểm vi phạm, số hiệu tàu, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên; thời gian, địa điểm xuất, nhập bến; nếu đang trên biển thì tại khu vực nào...). Đồng thời, chia sẻ thông tin, thông báo tình hình cho các lực lượng chức năng, địa phương và giữa các đơn vị trong BĐBP với nhau để kịp thời theo dõi, giám sát, quản lý và xử lý vi phạm.

Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho các đồng chí Chỉ huy trưởng, Hải đoàn trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác IUU tại đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước Tư lệnh, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh về kết quả triển khai các nội dung nêu trên. Bộ Tư lệnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Duy Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-quyet-tam-khong-con-tinh-trang-tau-ca-vi-pham-vung-bien-nuoc-ngoai-post466924.html