Tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Trong tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề 'Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em', nhiều biện pháp tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng sẽ được triển khai.

 Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu tại hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu tại hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 do Cục Trẻ em phối hợp ChildFund tổ chức, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết, theo thống kê tình trạng bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình. Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng in-tơ-nét ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi là rất cao, chiếm 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn. Trong đó, trẻ em gái sử dụng in-tơ-nét chiếm tới 89%. Đặc biệt, trẻ tiếp cận qua phương tiện là điện thoại thông minh chiếm tới 98%.

Theo các chuyên gia, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em.

Theo đồng chí Lê Thùy Dương, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2022, Bộ đã rà soát, ngăn chặn 18 nhóm trên mạng xã hội có nội dung xâm hại trẻ em. Các nhóm này có hơn 9,7 triệu thành viên, trong đó có 30% số thành viên là trẻ em, hơn 40% là thanh thiếu niên…

Trong thời gian tới, ngành Thông tin - Truyền thông sẽ tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube tuân thủ pháp luật Việt Nam, có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em.

Mạng xã hội Youtube đã công bố sẽ có một số thay đổi chính sách nhằm bảo vệ trẻ em, trong đó có yêu cầu tất cả nhà sáng tạo nội dung phải đánh dấu nội dung video dành cho trẻ em hay không; không phát tán quảng cáo được cá nhân hóa đối với nội dung dành cho trẻ em.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã lập đoàn kiểm tra mạng xã hội Tiktok về nội dung liên quan tới bảo vệ trẻ em, đoàn có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành có trách nhiệm về công tác bảo vệ trẻ em. Đoàn dự kiến thực hiện kiểm tra Tiktok tại Việt Nam từ ngày 22 đến 29-5.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề:“Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.

Các thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023

1. Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em.

2. Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em.

3. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

4. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.

5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

6. Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng.

7. Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai.

8. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

9. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Các hoạt động trong tâm trong Tháng hành động

1. Xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

2. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 từ cuối tháng 5 hoặc ngày 1-6-2023.

3. Tổ chức các hoạt động truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em

3. Triển khai các giải pháp, mô hình hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

4. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi...; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.

PV

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/tang-cuong-cac-giai-phap-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-19083