Tăng cường các giải pháp đảm bảo nước cho sản xuất, sinh hoạt vùng hạ du thủy điện

Ngay từ đầu năm 2020, do lượng mưa thấp, lưu lượng dòng chảy sụt giảm mạnh dẫn đến nhiều hồ, đập thủy điện thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động phát điện và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du. Để khắc phục tình trạng này, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đã chủ động phối hợp với các tổ chức hữu quan đưa ra nhiều giải pháp khắc phục kịp thời.

Lưu lượng nước về hồ giảm mạnh

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Cục ATMT), thời gian gần đây, người dân vùng hạ du đập thủy điện tại một số địa phương phản ánh tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và cho rằng nguyên nhân do các hồ, đập thủy điện trữ nước gây ra.

Cục ATMT sẽ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các giải pháp, chính sách vận hành hồ chứa thủy điện bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng với nhu cầu sử dụng nước của người dân vùng hạ du. Ảnh minh họa

Cục ATMT sẽ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các giải pháp, chính sách vận hành hồ chứa thủy điện bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng với nhu cầu sử dụng nước của người dân vùng hạ du. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát thực tế của Cục ATMT và các cơ quan chức năng liên quan cho thấy, về nguyên nhân khách quan, do lượng mưa năm 2019 nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm làm lượng dòng chảy trên các sông giảm.

Dẫn số liệu của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về tình hình thời tiết, thủy văn tháng 10/2019 cho thấy, lượng dòng chảy tháng 10/2019 trên phần lớn các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 45-75%. Trong khi đó, vào đầu tháng 4/2020, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, tổng lượng mưa lũ trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm và làm nhiều hồ chứa thủy điện không tích đủ nước.

Báo cáo các cơ quan chức năng về vấn đề này, ngày 3/2/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Công văn số 521/EVN-KTSX cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2019, lượng nước trong các hồ chứa thủy điện của EVN chỉ đạt khoảng 20,3 tỷ m3, thiếu hụt 10,4 tỷ m3 và thấp hơn trung bình nhiều năm 5,3 tỷ m3.

Về nguyên nhân chủ quan, Cục ATMT nhấn mạnh, một số chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện chưa duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định. Điển hình như các cụm thủy điện trên suối Lừm, suối Nậm Công, suối Sập tỉnh Sơn La; thủy điện Đăk Ne tỉnh Gia Lai.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy trình vận hành đơn hồ do Bộ Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh phê duyệt, trường hợp có nhu cầu bất thường về sử dụng nước, trong đó có nhu cầu sử dụng nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước thì Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất phương án, kế hoạch để Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, quyết định. Tuy nhiện trên thực tế, một số tỉnh chưa phối hợp chặt chẽ với chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện để xây dựng, đề xuất phương án này.

Ngoài ra, cũng có tình trạng trong quá trình thi công xây dựng công trình thủy điện đã làm cản trở dòng chảy đến trạm bơm nước, như trường hợp thủy điện Chư Pông Krông, tỉnh Gia Lai đang trong giai đoạn tích lần đầu, mực nước chưa đạt cao trình cống xả môi trường, như trường hợp thủy điện Thượng Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Nhiều giải pháp đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng hạ du

Trước thực tế nói trên, nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, vận hành hồ, đập thủy điện, đảm bảo nguồn nước cần thiết theo quy định đối với vùng hạ du, ngày 31/3/2020, Cục ATMT đã có Công văn số 318/ATMT-ATĐ gửi và đề nghị Sở Công Thương 31 tỉnh có công trình thủy điện đang vận hành thực hiện việc chỉ đạo các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, trong đó có quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu nhằm đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng hạ du.

Cục ATMT cũng yêu cầu xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý mọi hành vi vi phạm về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, trong đó có quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên nước và sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng, thay đổi nông lịch và mùa vụ để thích ứng với điều kiện khô hạn, khuyến khích ứng dụng công nghệ 4.0 trong công nghệ tưới tiết kiệm hiệu quả… để bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ du đập thủy điện.

Hiện nay, Cục ATMT đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam thu thập thông tin, đánh giá ảnh hưởng của việc xây dựng thủy điện ở Tây Nguyên đến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng mùa khô, Cục ATMT sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng với nhu cầu sử dụng nước của người dân vùng hạ du. Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, chính sách để bảo đảm vận hành hồ chứa thủy điện bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng với nhu cầu sử dụng nước của người dân vùng hạ du.

Đồng thời, tổ chức truyền thông để mọi người dân hiểu rõ hơn, khách quan hơn về vai trò của các công trình thủy điện trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là việc tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ trong mùa lũ, cung cấp nước cho vùng hạ du vào mùa kiệt.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-dam-bao-nuoc-cho-san-xuat-sinh-hoat-vung-ha-du-thuy-dien-137349.html