Tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng

BHXH các tỉnh, thành phố phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, vận động tới từng nhóm đối tượng cụ thể với các hình thức truyền thông đa dạng hơn nữa để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư và chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình các doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, phục vụ công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đó là chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến về phát triển đối tượng và giảm nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp năm 2018 tại 64 điểm cầu diễn ra ngày 17/10 tại Hà Nội. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH, nhằm đáp ứng được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đề ra.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, BHXH nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH (cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), kết quả phát triển đối tượng tham gia chưa xứng với tiềm năng của địa phương; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao.

Theo ông Trần Đình Liệu, bên cạnh những lý do khách quan như: Tình hình kinh tế địa phương khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm sản xuất kinh doanh; nhiều địa phương lớn chuyển đổi cơ cấu theo hướng dịch vụ, chủ trương tuyển lao động chuyên môn cao và tăng cường áp dụng công nghệ… thì còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan đến từ chính BHXH một số địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, vận động tới từng nhóm đối tượng cụ thể với các hình thức truyền thông đa dạng hơn nữa.

Riêng đối với công tác phát triển BHXH tự nguyện, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, đây là chính sách nhân văn, đảm bảo an sinh khi về già cho nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức. Đặc biệt, từ năm 2018, Nhà nước đã có mức hỗ trợ từ 10-30% cho một số nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong thời gian tới, chính sách này sẽ có những thay đổi linh hoạt hơn nữa trong việc đóng - hưởng và mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện từ phía Nhà nước sẽ tiếp tục được tăng lên...

Vì vậy, ngành BHXH phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo, ngoài việc tăng cường truyền thông, vận động, BHXH các địa phương phải đảm bảo mở rộng, và vận hành có hiệu quả hệ thống các đại lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tới từng xã, phường tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu để vận động các đối tượng tham gia chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, không phải để người dân, người lao động phải tự tìm đến với ngành BHXH.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư và chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình các doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, phục vụ công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; thực hiện nghiêm túc quy định về quy trình thu theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH; quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đóng, tập trung thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên theo quy định...

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-phat-trien-doi-tuong-81634.html