Tăng cường cập nhật thông tin để tránh rủi ro

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng khi cán mốc 8 tỷ USD; trong đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2016. Được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao nhờ CPTPP trong năm 2018, tuy nhiên, thách thức đối với ngành gỗ là không nhỏ bởi sự thay đổi từ các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản…

CPTPP cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam

Tại Hội thảo: “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững”, đánh giá về sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam trong năm qua, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại Tổ chức Forest Trends cho hay, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm năm 2017 đạt gần 7,7 tỷ USD, trong tổng số 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lâm sản, trong đó, 4 thị trường chính là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhằm giảm thiểu rủi ro với ngành gỗ Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải chủ động vươn lên, học hỏi và hội nhập.

Cụ thể, nguồn thu từ 4 thị trường trên trong năm 2017 chiếm 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường. Riêng kim ngạch từ thị trường Mỹ chiếm 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành lâm sản năm 2017. Đây được coi là một thành tích rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số biến động, xu thế đi ngược lại với toàn cầu hóa, hạn chế sự hội nhập, bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu.

Năm 2018, ngành gỗ Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng cao nhờ lực đẩy từ năm 2017, đặc biệt, thuận lợi lớn nhất đối với nhóm ngành này đó chính là việc Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đánh giá về những thuận lợi của ngành gỗ khi CPTPP chính thức có hiệu lực, ông Nguyễn Tô Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, ngành gỗ sẽ được hưởng lợi thế lớn khi thuế quan giảm xuống 0%.

“Từ thời điểm chuẩn bị hình thành Hiệp định TPP trước đây, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác thương mại gỗ với nhiều quốc gia mạnh như Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Tham gia vào CPTPP còn có một số quốc gia có ngành công nghiệp gỗ mạnh khác như Canada, với sản lượng một năm lên tới 600 triệu m3 gỗ. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy cơ hội đối với ngành gỗ là rất lớn”, ông Quyền cho biết.

Cũng theo ông Quyền, lợi thế đầu tiên phải kể đến đó là thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng hơn, CPTPP cũng giúp các doanh nghiệp Việt thuận lợi trong việc mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc…với giá thành rẻ hơn trước khi thuế giảm về mức 0%.

Ngoài ra, các thành viên trong CPTPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển và rất mạnh, đặc biệt trong vấn đề quản lý và phát triển rừng. Vì vậy, chúng ta sẽ có nhiều hơn những cơ hội học hỏi, quản lý và kinh doanh một cách bài bản, hiệu quả nhất.

Đề cập đến thuận lợi của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là khi tham gia vào CPTPP, ông Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành - Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội lớn với ngành chế biến xuất khẩu lâm sản Việt Nam.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, thì cần phải triển khai thực hiện nhanh chóng Hiệp định đối tác tự nguyện về chương trình hành động thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại (VPA/FLEGT). Do đó, các Bộ phải nhanh chóng phổ biến hiệp định này đến doanh nghiệp với các tiêu chí rõ ràng.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Mặc dù ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh cả về chất và lượng, đặc biệt là cơ hội lớn từ CPTPP đang hiện hữu trước mắt. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thời gian tới ngành gỗ sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn thử thách. Trong đó, khó khăn nhất phải kể đến đó chính là sự thay đổi chính sách từ các thị trường truyền thống và có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông Tô Xuân Phúc Tổ chức Forest Trends cho rằng, hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam. Thặng dư trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam khoảng 32 tỷ USD mỗi năm, nghiêng về phía Việt Nam, đã đẩy Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia có mức thâm hụt lớn nhất đối với Mỹ. Chính vì điều này, Việt Nam đã trở thành quốc gia được Mỹ quan tâm lớn, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu như hàng điện tử, may mặc, giầy dép và đồ gỗ.

Tuy nhiên, những ngày qua, thương mại toàn cầu đã phải chứng kiến những biến động lớn khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế tới 60 tỷ USD vào các mặt hàng có nguồn gốc từ thị trường Trung Quốc. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác sản phẩm nào nằm trong diện bị đánh thuế.

Thế nhưng, nếu sản phẩm bị đánh thuế là gỗ, rất có thể sẽ có một làn sóng đầu tư từ Trung Quốc “đổ bộ” sang Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến và rất có thể ngành gỗ Việt Nam sẽ bị Mỹ “soi mói”, khi đó, sẽ rất khó cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Trong khi đó, với 3 thị trường truyền thống còn lại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện các quốc gia này đang cân nhắc, thậm chí đã ban hành các Đạo luật Gỗ sạch, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường. Khi đó, nguy cơ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường nói trên là không nhỏ.

“Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ, cũng như 3 thị trường tiềm năng còn lại. Ngoài ra, các cơ quan chức năng và các hiệp hội cần cung cấp các thông tin cơ bản về cơ chế chính sách liên quan đến khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loại gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng và thương mại hóa tại quốc gia nhập khẩu, qua đó doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó khi rủi ro xảy ra”, ông Phúc nói.

Bên cạnh những rủi ro liên quan đến việc thay đổi chính sách tại các thị trường truyền thống, một vấn đề thách thức nữa được các chuyên gia nhận định sẽ gây khó khăn cho ngành gỗ Việt Nam đó chính là việc xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ. “Hiện ngành gỗ trong nước chủ yếu sản xuất theo thiết kế đặt hàng từ nước ngoài, vì vậy họ sẽ bảo vệ bản quyền của họ.

Do đó, mình phải tự bảo vệ sản phẩm của mình làm ra bằng việc xây dựng thương hiệu và muốn có thương hiệu thì phải có sở hữu trí tuệ. Đã đến lúc ngành gỗ cần bắt tay ngay vào việc xây dựng thương hiệu, thực hiện sở hữu trí tuệ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động, tự vươn lên, học hỏi để hội nhập. Đặc biệt, cần sớm xây dựng Hiệp hội trồng rừng, qua đó, đảm bảo nguồn cung cấp gỗ ổn định, bền vững”, ông Nguyễn Tô Quyền cho hay.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-cap-nhat-thong-tin-de-tranh-rui-ro-71030.html