Tăng cường chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho người dân

Tính đến trưa 24-8, thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 36.029 bệnh nhân, trong đó có 2.243 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.563 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Các quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh đưa người lang thang cơ nhỡ về trung tâm bảo trợ xã hội.

Hỗ trợ người lang thang

Tối 23-8, UBND thành phố Hồ Chí Minh có chỉ đạo khẩn về việc khẩn trương tập trung quản lý người xin ăn, người lang thang không nơi cư trú ổn định trên địa bàn để tập trung quản lý, chăm sóc y tế, nuôi dưỡng. Những người này được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và điều trị bệnh.

Đến trưa 24-8, lực lượng chức năng các quận 1, quận 4… đã đưa hàng chục người lang thang trên địa bàn về trụ sở, thực hiện xét nghiệm nhanh.

Tại quận 3, ngay trong đêm 23, rạng sáng 24-8, Công an quận đã phối hợp các lực lượng chức năng tiếp cận với hàng chục người lang thang, cơ nhỡ… Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Võ Thị Sáu, cho biết, “những trường hợp này đã được nhân viên y tế xét nghiệm, phát hiện 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2”.

Quận 7 đã hình thành được 31 trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe người dân tại nhà.

Còn tại các phường khác của quận 6, đêm qua, có ít nhất 7 người lang thang phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm. Với những trường hợp có nơi cư trú, lực lượng chức năng vận động họ về nơi ở, bàn giao chính quyền địa phương giám sát. Những người có biểu hiện rối loạn tâm thần, sức khỏe yếu, không nơi ở… được đưa về trung tâm hỗ trợ xã hội...

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, những người lang thang, cơ nhỡ được đưa về 2 cơ sở phân loại ban đầu. Những người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và có sử dụng chất ma túy được chuyển vào Trung tâm cách ly tập trung F0 tại quận Bình Thạnh để chăm sóc, điều trị.

Đan dày mạng lưới y tế cơ sở

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường 4, quận 4.

Chăm sóc sức khỏe người dân tại nhà là một trong những “trụ cột” của chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, với những điểm đáng chú ý là hình thành 400 trạm y tế lưu động; khuyến khích hình thành phong trào quần chúng tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong thời gian toàn thành phố tăng cường giãn cách phòng, chống dịch...

Ngày 24-8, UBND quận 7 đã thành lập thêm 26 trạm y tế lưu động, nâng tổng số mô hình này trên địa bàn quận lên 31 trạm. Mỗi trạm có sự hỗ trợ của 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 3 nhân viên (tình nguyện viên hay các lực lượng khác hỗ trợ). Đồng thời, tại các trạm này sẽ được trang bị tối thiểu 2 bình oxy, máy thở, máy đo Sp02 (máy đo nồng độ oxy trong máu). Ngoài ra, còn có túi thuốc gồm một số loại cơ bản.

Trạm y tế lưu động được coi là “cánh tay nối dài” của trạm y tế phường, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong. Để có nhân lực cho những mô hình mới này, quận 7 vừa tiếp nhận 75 cán bộ, nhân viên, học viên của Học viện Quân y và trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đến hỗ trợ.

Dù mới thành lập, mô hình "ATM oxy" của Quận đoàn quận 4 đang hoạt động hiệu quả, tích cực.

Còn tại quận 4, trong các ngày 24 và 25-8, lực lượng y tế triển khai đồng loạt xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 tại 13 phường, phấn đấu đến ngày 25-8 sẽ hoàn thành công tác xét nghiệm trong cộng đồng. Trước đó, Sở Y tế đã phân bổ cho quận 83.175 bộ kit test nhanh dành cho 231 tổ dân phố thuộc vùng nguy cơ cao (tổ cam) và vùng có nguy cơ rất cao (tổ đỏ) với tổng số 83.160 người dân. Mỗi trạm y tế phường hiện nay đều đã được thành phố tăng cường lực lượng y tế từ Học viện Quân y và Bệnh viện Bạch Mai. Người dân sẽ tự lấy mẫu theo hướng dẫn hoặc đến điểm lấy mẫu cộng đồng để xét nghiệm.

Bà Huỳnh Thị Thanh Hà, ngụ tại tổ dân phố 16, khu phố 3, phường 2 chia sẻ: "Con gái tôi đã biết cách lấy mẫu xét nghiệm. Rất may, gia đình tôi đều đã có kết quả âm tính, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình mình".

Còn tại phường 3, lực lượng y tế lấy mẫu cho các hộ dân. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, phường thành lập 4 tổ xét nghiệm, thực hiện liên tục từ 8h sáng đến 9h tối để đẩy nhanh tiến độ công việc. Đồng hành cùng mạng lưới y tế nhà nước, các tổ chức thiện nguyện cũng tích cực tham gia hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tại quận 4, mô hình “ATM oxy” do Quận đoàn tổ chức với các tình nguyện viên hoạt động rất tích cực, cung cấp miễn phí bình oxy cho bệnh nhân suy hô hấp điều trị tại nhà. Nguyên Hà (phụ trách tổng đài tiếp nhận thông tin) cho biết: “Dù mới hoạt động từ ngày 4-8 đến nay, nhưng mỗi ngày, đội nhận đến 70-100 yêu cầu, phải làm việc hết công suất để có thể phục vụ tối đa".

Còn anh Trần Mai Chí, Bí thư Đoàn quận 4 chia sẻ: “Tôi cũng tham gia việc đưa bình oxy đến nhà người bệnh, không chỉ ở quận 4 mà còn sang cả quận 1. Có những lần phải chạy đua từng phút để góp phần cứu sống bệnh nhân. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện công việc này”.

Chương trình đầu tiên được thực hiện trực tiếp lúc 20h ngày 24-8 trên trang Facebook của Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ https://www.facebook.com/trungtambaochi.tphcm/. Đây là hoạt động do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.

Tại các buổi livestream, chương trình sẽ thông tin một số nội dung chính liên quan đến vắc xin và công tác tiêm vắc xin; diễn biến dịch bệnh, số ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh, số ca tử vong theo từng đơn vị quận/huyện trên địa bàn thành phố; những quy định, chính sách mới của thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác mua và nhập vắc xin, thông tin về các loại thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh Covid-19 và điều trị F0 tại nhà; thông tin về các tin tức sai sự thật, tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trong ngày; giải đáp, phản hồi cho người dân.

Đặc biệt, chương trình cũng tiếp nhận và giải đáp các câu hỏi của người dân được ghi nhận từ các kênh chính thống như: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Tổng đài 1022 và các câu hỏi được gửi đến trong buổi livestream.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/1009872/tang-cuong-cham-soc-suc-khoe-tai-cho-cho-nguoi-dan