Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn trong tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Ban chỉ đạo 389 tỉnh ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Mục đích nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời, phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại (đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, ...), góp phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa với chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân vui tết, đón xuân lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân, làm cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Chú trọng kiểm tra, phát hiện hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng phục vụ tết, các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá.

Tăng cường công tác phối hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng, bỏ sót địa bàn, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả; các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, bao gồm: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên toàn tỉnh; Các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy trên tuyến biển, biên giới, cửa khẩu, cảng sông, cảng hàng không, nhà ga đường sắ; Các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, kinh doanh lớn, chuyên nghiệp.

Địa bàn kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm tuyến biên giới đất liền, tuyến biển và thị trường nội địa; trong đó tuyến biên giới đất liền tập trung kiểm tra các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở; Tuyến biển tập trung kiểm tra tại Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Hới, Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp (PTSC); các cửa lạch ven biển; các phương tiện vận chuyển trên biển; Thị trường nội địa tập trung kiểm tra tại các địa bàn là nơi phát luồng hàng hóa, tập trung nhiều điểm kinh doanh buôn bán lớn: Các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cảng hàng không, nhà ga đường sắt, các kho hàng hóa, xe vận chuyển bưu chính, chuyển phát nhanh, logistic, bến xe, các phương tiện vận tải trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh, các hoạt động về thương mại điện tử,…

Tập trung kiểm tra lĩnh vực buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng và gian lận thương mại. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, quá trình kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện phải phối hợp với Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh, huyện, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp và không để trống địa bàn, bỏ sót đối tượng.

Tập trung kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển, tàng trữ và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu bao gồm: Ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, rượu ngoại, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, động vật hoang dã, gỗ, khoáng sản; sắt, thép; thiết bị vệ sinh; điện thoại, linh kiện điện thoại di động; phụ tùng ô tô; xe máy, mũ bảo hiểm; vải và các sản phẩm từ vải, đồ điện tử, điện lạnh cũ; thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; xuất bản phẩm, lịch blốc.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ như: Khẩu trang, thiết bị y tế, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật, thực phẩm công nghiệp, hoa quả…; các mặt hàng thiết yếu: Thực phẩm chức năng; thuốc tân dược, mỹ phẩm; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; quần áo, giày dép; túi xách, điện gia dụng…; các mặt hàng vật tư nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi), phụ gia thực phẩm…

Thời gian thực hiện từ ngày 15-12-2020 đến ngày 15-3-2021.

BĐT

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te-thi-truong/tang-cuong-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia/128057.htm