Tăng cường chống hàng giả ở cả kênh bán hàng qua mạng

Ngày 27-11 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (2007-2017). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Vatap, tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp tinh vi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp đều có hàng giả, hàng nhái... Hàng năm, Vatap đã phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề; đồng thời, tổ chức ký kết giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, đơn vị bán buôn về nội dung không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhằm góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Theo các đại biểu tham dự, hiện công tác chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn bất cập. Riêng về việc giám định để phục vụ chống hàng gian, hàng giả, ông Bùi Duy Chinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinacontrol cho biết, chỉ có vài tổ chức lớn có đủ phòng thí nghiệm, khả năng để phân biệt. Trong khi đó, hàng giả không chỉ là hàng kém chất lượng thật sự, mà còn là hàng có chất lượng tương đương nhưng nhái nhãn hiệu thì rất khó phát hiện.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét lại mức xử phạt đối với các đối tượng và hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, vì mức phạt hiện hành chưa đủ tính răn đe….

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, loại trừ tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp.

Để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng thực thi, nhất là người đứng đầu phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lực lượng quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ không chỉ kênh phân phối hàng hóa truyền thống, mà còn phải chú trọng kiểm soát hàng hóa bán qua kênh thương mại điện tử.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong phát hiện và xử lý vi phạm. Về phía người dân, vẫn còn nhiều người tiêu dùng mặc dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn tiếp tay, vẫn sử dụng bởi lợi ích trước mắt. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Vatap phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và phát động chương trình toàn xã hội tích cực tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái, nhằm đẩy lùi hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường.

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/883976/tang-cuong-chong-hang-gia-o-ca-kenh-ban-hang-qua-mang