Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp

Thanh Hóa có hơn 18.000 doanh nghiệp, gần 1.000 HTX, tổ hợp tác đang hoạt động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tích cực triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); quan tâm đầu tư cải thiện, xây dựng môi trường làm việc an toàn, góp phần bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người lao động.

Công ty Điện lực Thanh Hóa tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, an toàn phòng chống cháy nổ - phòng ngừa tai nạn điện trong dân cho học sinh Trường THPT Cầm Bá Thước (Thường Xuân).

Toàn tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp đã thành lập được bộ phận ATVSLĐ, hội đồng ATVSLĐ và bố trí cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn, kỹ thuật môi trường vệ sinh lao động. Nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động đảm bảo ATVSLĐ được áp dụng thực hiện. Trong năm 2021, có hơn 62.000 máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đã được kiểm định và khai báo theo đúng quy định của pháp luật; 93.000 ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ được cấp phát. Các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 100.000 người lao động, người sử dụng lao động và người làm công tác ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ cho 122.168 người; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 16.621 người; quan trắc môi trường lao động cho 227 cơ sở lao động.

Nhằm từng bước xây dựng, duy trì văn hóa an toàn lao động, tạo hiệu quả bền vững, lâu dài cho công tác ATVSLĐ; xây dựng đơn vị ngày càng phát triển bền vững, tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động Công ty Điện lực Thanh Hóa đã cùng nhau cam kết thực hiện tốt 5 mục tiêu chính, đó là: Tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy nổ do lỗi chủ quan; giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rủi ro đối với cán bộ, công nhân viên; giảm thiểu tai nạn điện trong Nhân dân, bảo vệ hành lang lưới điện cao áp, ngăn chặn sự cố lưới điện; thực hiện tốt các giải pháp trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu ảnh hưởng các yếu tố thiên tai, thời tiết cực đoan đối với lưới điện; đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động năm 2022, bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ để người lao động an tâm sản xuất.

Vì sự phát triển bền vững của đơn vị nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, những năm qua Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn luôn chú trọng công tác ATVSLĐ. Ông Phan Viết Linh, giám đốc công ty, chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ngoài việc chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương đề ra về ATVSLĐ, công ty thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ, công nhân, người lao động chấp hành tốt pháp luật về ATVSLĐ, nội quy lao động, quy trình kỹ thuật an toàn trong lao động sản xuất. Thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc. Tổ chức các hoạt động chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; quan trắc môi trường lao động. Đồng thời, đề cao ý thức, nền nếp, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ; yêu cầu mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động có trách nhiệm chung tay gìn giữ “Vì môi trường xanh – sạch – đẹp” và “Vì môi trường làm việc an toàn cho mọi người và cho chính mỗi người”. Quyết tâm không để xảy ra tai nạn lao động trong sản xuất, kinh doanh, không có sự cố chủ quan...

Tuy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã quan tâm, triển khai tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; không ngừng đầu tư cải thiện điều kiện lao động và môi trường làm việc cho người lao động; công tác quản lý Nhà nước của các ngành chức năng và sự giám sát của các tổ chức đoàn thể về ATVSLĐ được tăng cường. Song, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ. Một số chủ sử dụng lao động chạy theo lợi nhuận trước mắt, xem nhẹ các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, môi trường làm việc... làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người lao động. Nhiều vụ tai nạn lao động dẫn tới chết người vẫn xảy ra. Điển hình như năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ tai nạn lao động tại các doanh nghiệp làm 30 người chết và 5 người bị thương nặng. So với năm 2020 (xảy ra 18 vụ tai nạn lao động làm 12 người chết và 6 người bị thương nặng) cho thấy số vụ, số nạn nhân, số vụ có người chết và số người chết đều tăng lên nhiều. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người lao động mắc bệnh nghề nghiệp nhưng chưa được khám, điều trị, giám định kịp thời.

Năm 2022 là năm triển khai, thực hiện Chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 210/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 27-1-2022 của UBND tỉnh. Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời đẩy mạnh công tác ATVSLĐ, tại lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và người sử dụng lao động triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật ATVSLĐ, các nghị định của Chính phủ; thông tư hướng dẫn của các bộ, ban, ngành. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình và biện pháp ATVSLĐ; tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện về ATVSLĐ do các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ tổ chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chế độ về bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định, như: Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác có liên quan; tổ chức các hoạt động huấn luyện, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đối với người lao động hãy vì sức khỏe của bản thân mà nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ; chủ động và tích cực tham gia cùng với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp; tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, từ chối làm việc khi thấy rõ các nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động có thể xảy ra. Các sở, ban, ngành, các địa phương cần đề cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để có biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm, giảm thiểu tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tang-cuong-cong-tac-an-toan-ve-sinh-lao-dong-tai-cac-doanh-nghiep/159936.htm