Tăng cường công tác bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km về phía Đông Bắc, phân bố trên phạm vi ranh giới hành chính của các xã: Kon Pne, Kroong, Đăk Roong của huyện KBang; xã A Yun, Đăk Jơta của huyện Mang Yang và Hà Đông của huyện Đăk Đoa - tỉnh Gia Lai.

Diện tích vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 15.184,48 ha bao gồm 23 cộng đồng làng trên địa bàn 7 xã (Ayun, ĐăkJơTa, Krong, ĐăkRong, KonPne và Hà Đông) thuộc địa giới hành chính 3 huyện (Mang Yang, Kbang và Đăk Đoa) sinh sống xung quanh Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, có đời sống gắn bó lâu đời với rừng, chủ yếu là cộng đồng người Bana bản địa.

Thực vật bậc cao: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 1.754 loài ( 2011: 1.022 loài), thuộc 753 chi ( 568 chi) và 181 họ (158 họ), chiếm khoảng 14% hệ thực vật cả nước. Trong đó có 1.629 loài thực vật hạt kín, 16 loài thực vật hạt trần, và 109 loài khuyết thực vật. Ngoài ra còn có 91 loài thực vật bậc thấp thuộc 39 chi và 26 họ.

Lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang ngày đêm túc trực, bất chấp mọi khó khăn vẫn bám giữ rừng.

Lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang ngày đêm túc trực, bất chấp mọi khó khăn vẫn bám giữ rừng.

Dựa trên kết quả tổng hợp đã xác định danh lục 138 loài thực vật bậc cao có tầm quan trọng cho Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, đây là các loài thực vật bị đe dọa thực sự, hoặc các loài đặc hữu cho vùng, quốc gia. Trong đó 28 loài bị đe dọa thực sự ở quy mô toàn cầu (IUCN, 2016) bao gồm 5 loài được xếp hạng rất nguy cấp (CR), 8 loài xếp hạng nguy cấp (EN) và 15 loài sẽ nguy cấp (VU).

Hệ động vật rừng, kết quả điều tra Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 88 loài thú thuộc 26 họ và 8 bộ, trong đó thống kê cho thấy khu hệ thú của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có giá trị bảo tồn cao với 34 loài quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam, 30 loài nằm trong Nghị định 32/NĐ-CP/2006 và 29 loài quý hiếm theo IUCN. Có 34 loài thú chiếm (38,6% tổng số loài thú) ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007).

Về lớp chim: đã xác định được 326 loài thuộc 17 bộ chim với 53 họ. Trong đó, bộ Sẽ vẫn chiếm đa số trong thành phần loài của khu hệ chim với 201 loài, chiếm 61,65% tổng số loài trong khu hệ chim. Xác định 43 loài chim bị đe dọa tuyệt chủng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chiếm 13,2% tổng số loài.

Để đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ rừng đạt hiệu quả trong điều kiện và tình hình mới, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã giao nhiệm vụ cho Hạt kiểm lâm vườn xây dựng kế hoạch và các biện pháp bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân. Theo đó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia được kiện toàn lại với : 8 trạm kiểm lâm và 2 tổ kiểm lâm cơ động; đội ngũ lãnh đạo gồm có Hạt trưởng (do Giám đốc Vườn Quốc gia kiêm nhiệm) và 3 Phó hạt trưởng.

Các Phó hạt trưởng được phân công phụ trách từ 2 đến 3 trạm kiểm lâm để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các Trạm kiểm lâm; đồng thời các Trạm Kiểm lâm cũng phân công nhiệm vụ phụ trách các tiểu khu cụ thể cho từng cán bộ kiểm lâm để quản lý và bảo vệ. Việc tuần tra bảo vệ rừng được ghi vào nhật ký hàng ngày ở các Trạm; mỗi cán bộ, nhân viên kiểm lâm phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý.

Được sự quan tâm của Nhà nước ngày càng có nhiều chính sách nhằm phát triển bảo vệ rừng nhất là hệ thống rừng đặc dụng trong đó có Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Được sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Gia Lai, các cơ quan chuyên môn phối hợp tốt đã tạo điều kiện cho Vườn chủ động thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học của Vườn.

Vườn có cơ cấu tổ chức hợp lý, có chức năng thực thi pháp luật đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Với hệ thống rừng được bảo vệ tốt, cộng với sự đa dạng về sinh học, sinh cảnh tự nhiên, văn hóa, lịch sử tạo sút hút và quan tâm của các ban ngành, người dân về khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh; bên cạnh đó cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển giúp tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại. Đề án phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2010 – 2020 giúp cho Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có cơ sở hạ tầng tốt, trang thiết bị hiện đại đáp ứng được công việc đề ra.

Bên cạnh thuận lợi, Ban quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang gặp phải nhiều khó khăn khi có diện tích vùng đệm rộng lớn: 15,184,48 ha; cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có cuộc sống gắn bó mật thiết với rừng như thu hái lâm sản phụ, rau, cây thuốc, các dụng cụ phục vụ sản xuất, củi đốt, đất sản xuất... Hiện nay, do dân số cộng đồng cư dân vùng đệm ngày càng gia tăng, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ sản xuất còn hạn chế nên còn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên rừng. Do đó nguy cơ lấn rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật rừng, khai thác gỗ, củi... ngày càng gia tăng.

Các chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chưa tương xứng với điều kiện công tác như: nguồn thu nhập thấp, bị cắt giảm phụ cấp trong điều kiện làm việc khắc nghiệt (luân phiên trực đêm tại rừng), địa hình làm việc nằm sâu trong rừng...do đó, ảnh hưởng đến nhiệt huyết cũng như việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn mỏng trong khi địa bàn quản lý rộng, tài nguyên của Vườn phong phú và quý hiếm do vậy việc khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó công cụ hỗ trợ, vũ khí trấn áp tội phạm còn yếu trong khi lâm tặc ngày càng manh động và hoạt động tinh vi.

Người dân sống gần rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số do vậy trình độ và nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng chưa cao, các nguồn thu nhập chính của người dân vẫn còn dựa vào rừng và đất rừng là chủ yếu; việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn; kinh tế thấp nên việc thu nộp tiền phạt VPHC khó thực hiện.

Hiện nay, nhà nước chủ trương giảm 10% biên chế theo Nghị Định 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014, theo đó lực lượng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ cắt giảm 8 chỉ tiêu biên chế theo lộ trình từ nay đến năm 2021 nên tình trạng thiếu nhân lực ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến rất lớn đến công tác quản lý và bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Tiến Nhuệ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tang-cuong-cong-tac-bao-ve-rung-vuon-quoc-gia-kon-ka-kinh-172322-172322.html