Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm

Bước vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp nhất trong năm. Để bình ổn thị trường, các lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong khâu lưu thông cũng như kinh doanh thương mại.

Các ngành chức năng kiểm tra, bắt giữ 1 vụ vận chuyển thực phẩm tươi sống không có nguồn gốc.

Hiện nay, công tác đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đang được triển khai một cách toàn diện, với sự tham gia đồng bộ của các ngành thành viên và ban chỉ đạo (BCĐ) 389 các huyện, thị xã, thành phố. Trong công tác chống buôn lậu, các lực lượng: Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Cục Hải quan tỉnh, ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm tại các tuyến biên giới đất liền, đường biển, đường sắt, tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các trung tâm thương mại, các mặt hàng cấm, hàng lậu gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội cũng như đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, như: đồ chơi kích động bạo lực, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe trẻ em, ma túy, thuốc nổ, pháo nổ... Chỉ trong tháng 10-2021, các lực lượng chức năng đã xử lý 111 vụ vi phạm; trong đó chuyển khởi tố 63 vụ, xử lý vi phạm hành chính 48 vụ, phạt tiền vi phạm hành chính 193 triệu đồng.

Trong đấu tranh chống gian lận thương mại, các ngành: Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố cũng đang tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các địa bàn trọng điểm, thực hiện kiểm soát đối với các nhóm mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, như: gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thiết bị thể thao, nội thất, nhóm mặt hàng thép, điện tử, máy móc, thiết bị... Nhiều hành vi về gian lận thương mại, như: hoạt động kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hoạt động kinh doanh trên các ứng dụng thương mại điện tử không được cấp phép, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, vi phạm về giá, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy, chất lượng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và vi phạm các điều kiện hoạt động trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật đã bị phát giác. Trong tháng 10, lực lượng chức năng đã xử lý 291 vụ vi phạm trong lĩnh vực này, phạt vi phạm hành chính hơn 4,1 tỷ đồng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường, cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, từ đó hạn chế các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khảo sát giá đối với nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, muối, đường, gạo,...; tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, bình ổn giá, chống đầu cơ, găm hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, giữ ổn định giá bán một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát chặt chẽ tình hình thị trường, biến động giá cả, khâu cung ứng, lưu thông và việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu... Tiếp tục phối hợp với các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm; bánh mứt kẹo, nước giải khát; sữa và các sản phẩm từ sữa; thực phẩm chế biến, dầu thực vật, thực phẩm công nghiệp, thực phẩm chức năng, chất phụ gia bảo quản, phẩm màu công nghiệp sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/tang-cuong-cong-tac-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-nbsp-nhung-thang-cuoi-nam/147141.htm