Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của VKSND

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của VKSND giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của ngành có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, một số công chức, viên chức chưa cập nhật những kiến thức và kỹ năng cần thiết theo vị trí việc làm, nên trong thực hiện hoạt động nghiệp vụ và trong quản lý, điều hành chưa thực sự đạt hiệu quả; một số giảng viên còn thiếu kiến thức thực tiễn về nghiệp vụ kiểm sát; vẫn còn tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn, thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước khi bổ nhiệm.

Để khắc phục những hạn chế trên và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới, Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND Tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp đối với công chức, viên chức trong ngành.

Bảo đảm hằng năm, công chức, viên chức trong ngành phải được bồi dưỡng ít nhất 05 ngày để cập nhật quy định pháp luật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; da dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng tập trung trong nhà trường với tự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ từ thực tiễn hoạt động kiểm sát thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất điển hình ở VKSND các cấp; tăng cường phối hợp giữa VKSND địa phương, đơn vị với các nhà trường để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức trong ngành.

Phải đăng ký ít nhất 40 giờ giảng/01 năm

Các đơn vị thuộc VKSND Tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị so với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và tiêu chuẩn của từng ngạch chức vụ, chức danh để xây dựng kế hoạch cử công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp gắn với công tác quy hoạch cán bộ; có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức có bản lĩnh năng lực nổi trội và triển vọng để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý ở VKSND các cấp.

Kiểm sát viên VKSND Tối cao, lãnh đạo đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, công chức có học vị Tiến sĩ phải đăng ký ít nhất 40 giờ giảng/01 năm tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành theo quyết định giao nhiệm vụ của Viện trưởng VKSND tối cao;

Đồng thời, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành phải tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng chất đội ngũ giảng viên; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu bảo đảm về cả chất và lượng; nâng cao hiệu quả công tác quản trị Nhà trường, phát triển Nhà trường theo định hướng ứng dụng; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó quan tâm đưa nội dung đào tạo bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh, kỹ năng thực hành nghề vào giảng dạy tại Nhà trường.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tập trung đào tạo đại học chuyên ngành luật hệ chính quy; nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo Thạc sĩ, tiến tới đào tạo Tiến sĩ luật, tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành…

Vũ Phương Nhi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/tang-cuong-cong-tac-dao-tao-boi-duong-cong-chuc-vien-chuc-cua-vksnd/408824.vgp