Tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng

Ngày 15/9/2016, Ban cán sự Đảng TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 219KH/BCS để đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 50CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trong TAND các cấp.

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị

Kế hoạch số 219-KH/BCS của Ban cán sự Đảng TANDTC nhằm quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW ngày 10/5/2016 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong hệ thống TAND, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Ban cán sự Đảng TANDTC yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trong hệ thống TAND có trách nhiệm chỉ đạo công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong đơn vị; chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền giải quyết và chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW. Các đơn vị trong hệ thống TAND phải xây dựng kế hoạch cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong việc thực hiện công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tránh phô trương, hình thức.

 TANDTC tổng kết thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

TANDTC tổng kết thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Theo kế hoạch, trong quý 4 năm 2016, TANDTC sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch số 219-KH/BCS của Ban cán sự Đảng TANDTC đến cán bộ chủ chốt trong toàn hệ thống TAND, gồm các lãnh đạo TANDTC, Thẩm phán TANDTC, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, Chánh án các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngay sau khi tham dự Hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị tổ chức quán triệt những nội dung của Hội nghị đến các lãnh đạo, Thẩm phán, đảng viên, công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

Triển khai thực hiện tại TANDTC

Tại TANDTC, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trong toàn hệ thống TAND và công tác phối hợp với các ban đảng, bộ, ngành liên quan trọng việc phòng, chống tham nhũng, thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW. Thành lập Ban thường trực chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW TAND do đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Chánh án TANDTC làm Trưởng ban; đồng chí Phó Bí thư Ban cán sự, Phó Chánh án TANDTC làm Phó trưởng ban; các ủy viên gồm các đồng chí thành viên Ban cán sự. Thành lập Tổ giúp việc Ban thường trực gồm Tổ trưởng là Chánh văn phòng Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ; Tổ phó là Trưởng ban Ban Thanh tra; thành viên là các Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Vụ Tổng hợp và Chánh Văn phòng TANDTC.

Đồng chí Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC phụ trách lĩnh vực án hình sự, pháp chế khoa học giúp Bí thư Ban cán sự trực tiếp chỉ đạo công tác xét xử các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi đôn đốc; phụ trách công tác phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tư pháp Trung ương trong việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Phó Bí thư Ban cán sự Đảng giúp Bí thư Ban cán sự trong công tác phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng Cơ chế chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử Trung ương và địa phương trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi đôn đốc; nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Kế hoạch số 219-KH/BCS của Ban cán sự Đảng TANDTC cũng phân công cho từng đồng chí Ủy viên Ban cán sự phụ trách từng lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ hệ thống TAND; kiểm tra, thanh tra và giám sát các hoạt động trong nội bộ cơ quan, phát hiện kịp thời các vụ việc có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Triển khai tại TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và cấp huyện

Theo Chỉ thị, tại các TAND cấp cao: Chánh án TAND cấp cao chịu trách nhiệm trước Ban cán sự, Chánh án TANDTC về công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách; chỉ đạo xử lý, giải quyết, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tham nhũng. Khi có vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thuộc thẩm quyền xét xử thì Chánh án phải trực tiếp hoặc phân công một Phó Chánh án trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết, bảo đảm tiến độ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, thu hồi tài sản tham nhũng. Đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi đôn đốc thì Chánh án phải trực tiếp chỉ đạo; chủ động phân công một hoặc một nhóm Thẩm phán có năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị theo dõi, tham gia công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, nghiên cứu hồ sơ và xét xử bảo đảm đúng tiến độ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, thu hồi tài sản tham nhũng. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải báo cáo lãnh đạo TAND cấp cao; Chánh án TAND cấp cao phải báo cáo kịp thời Ban cán sự, Chánh án TANDTC vế tiến độ giải quyết, khó khăn vướng mắc, kế hoạch xét xử và kết quả xét xử.

Tại các TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện: Chánh án TAND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ban cán sự, Chánh án TANDTC và cấp ủy địa phương về công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách. Chánh án TAND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chánh án TAND tỉnh và cấp ủy địa phương về công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị; chủ động phòng ngừa, phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong đơn vị; chỉ đạo xử lý, giải quyết, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền giải quyết; phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc thì Chánh án phải trực tiếp chỉ đạo; chủ động phân công các Thẩm phán có năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị theo dõi, tham gia công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, nghiên cứu hồ sơ và xét xử bảo đảm đúng tiến độ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, thu hồi tài sản tham nhũng.

Quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch số 219-KH/BCS, các thành viên Ban cán sự Đảng TANDTC trong phạm vi nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện. Chánh án TAQS Trung ương, Chánh án TAND cấp cao, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, Chánh án TAND cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ của mình chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch số 219-KH/BCS. Đảng ủy TANDTC phối hợp trong công tác quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch số 219-KH/BCS của Ban cán sự Đảng TANDTC đến các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên thuộc quyền quản lý. Văn phòng Ban cán sự Đảng TANDTC giúp Ban cán sự theo dõi, đôn đốc, thực hiện; nếu gặp vướng mắc sẽ báo cáo Ban cán sự để có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Trần Quang Huy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/cai-cach-tu-phap/tang-cuong-cong-tac-phat-hien-xu-ly-cac-vu-viec-vu-an-tham-nhung-176788.html