Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách

Theo Bộ Tài chính, năm 2019, qua kiểm tra, toàn ngành Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 25,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 17,2 nghìn tỷ đồng).

Bộ Tài chính thông tin, năm 2019, toàn ngành Tài chính đã tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách, quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm; kiểm tra gần 506,4 nghìn hồ sơ khai thuế; điều tra chống buôn lậu bắt giữ 17,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 25,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 17,2 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

 Năm 2019, toàn ngành đã kiểm tra gần 506,4 nghìn hồ sơ khai thuế. Ảnh minh họa

Năm 2019, toàn ngành đã kiểm tra gần 506,4 nghìn hồ sơ khai thuế. Ảnh minh họa

Về kết quả thanh tra, kiểm tra tại một số lĩnh vực chủ yếu, Bộ Tài chính cho biết, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 38 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 38 kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kiểm tra; kiến nghị xử lý về tài chính, với số tiền 2,8 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách 1,5 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 1,11 nghìn tỷ đồng); giảm trừ dự toán, không cấp phát, giảm thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 95,8 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 685 tỷ đồng.

Cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra 503,5 nghìn hồ sơ khai thuế; qua đó kiến nghị xử lý 62,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu vào NSNN 18,45 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 13,5 nghìn tỷ đồng), chống chuyển giá, giảm lỗ 41,6 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 2,6 nghìn tỷ đồng.

Cơ quan Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 4,32 nghìn cuộc; qua đó kiến nghị xử lý thu vào NSNN gần 2,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 2 nghìn tỷ đồng).

Các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nắm tình hình địa bàn, thực hiện thành công nhiều chuyên án, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nền sản xuất hàng hóa trong nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, chống thất thu NSNN. Trong năm, đã chủ trì bắt giữ 17,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào NSNN 481 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định khởi tố 51 vụ án hình sự và chuyển các cơ quan khác kiến nghị khởi tố 164 vụ.

Năm 2020, Bộ Tài chính xác định phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất mục tiêu tài chính - NSNN giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NSNN, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển nhanh và bền vững; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.

Nhiều giải pháp trọng tâm của ngành năm 2020 đã được Bộ Tài chính đề ta như tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực tài chính theo thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, kỷ cương, công khai minh bạch và đảm bảo các cân đối lớn của đất nước. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý NSNN; Cơ cấu lại các khoản thu NSNN; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu NSNN, thu hồi nợ đọng thuế; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chống gian lận giả mạo và gian lận xuất xứ hàng hóa; Điều hành chi NSNN theo dự toán được Quốc hội giao; Nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN và nợ công. Kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép; Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Lan Trần

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/tang-cuong-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-tai-chinh-ngan-sach-328060.html