Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Ngày 17.5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm về giải pháp tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thời gian qua, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngày càng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đây được xem là một trong những khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, với mục tiêu đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hướng đến mục tiêu mang lại sự thuận lợi tối đa cho họ để phát triển.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Ngân

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Ngân

Hiện nay, Bộ Tư pháp có 69 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Để hoàn thành mục tiêu “Tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2022”, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến tháng 2.2023, Bộ Tư pháp đã hoàn thành kết nối 58/69 dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, không để phát sinh hồ sơ quá hạn, trong đó, nổi bật là lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, mặc dù Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp và có nhiều văn bản quán triệt, triển khai, đôn đốc đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.

Đối với dịch vụ công, hiện Bộ đã triển khai kết nối 58 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, hồ sơ phát sinh không đáng kể; 11 dịch vụ công chưa kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia thuộc các lĩnh vực luật sư, thừa phát lại, công chứng. Công dân đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến gặp nhiều lỗi khi thực hiện…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc trong thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp nói riêng. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thực hiện thủ tục hành chính trong việc tái cấu trúc các quy trình dịch vụ, kiểm thử để kết nối các dịch vụ công trực tuyến còn lại lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân để người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho Chính phủ điện tử trong quá trình xây dựng Chính phủ số…

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/tang-cuong-cung-cap-dich-vu-cong-truc-tuyen-i328857/