Tăng cường đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Tuy có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội song Thái Nguyên cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh. Do vậy. lực lượng công an trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an ninh chính trị, giữ sự bình yên cho Nhân dân.

Tình hình tội phạm phức tạp hơn sau dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng kéo theo nhiều vấn đề về an ninh xã hội, tạo ra nhiều áp lực làm phát sinh các tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Khi Thái Nguyên từng bước “nới lỏng giãn cách” và “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì các loại tội phạm có dấu hiệu hoạt động mạnh mẽ trở lại.

Là cửa ngõ của khu vực trung du miền núi với đồng bằng Bắc Bộ; lại tập trung đông dân cư nên Thái Nguyên được xác định là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy. Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều dạng ma túy mới; tội phạm phần lớn còn trẻ tuổi, sử dụng công nghệ cao và mạng xã hội để mua bán, trao đổi thông tin, gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng. Vì lợi nhuận cao và khung hình phạt rất nặng nên các đối tượng thường có thủ đoạn tinh vi; khi bị bắt quả tang thì sử dụng vũ khí chống trả quyết liệt, có khi dùng cả phương tiện vận chuyển lao vào lực lượng chức năng nhằm tẩu tán tang vật và trốn thoát.

Thượng tá Phạm Ngọc Thanh, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đây là “tội phạm của tội phạm”, bởi từ buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy mà sinh ra các hành vi phạm pháp khác như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người. Các đường dây ma túy thường hoạt động khép kín, lợi dụng các mối quan hệ gia đình, kinh tế ràng buộc chặt chẽ với nhau hoặc lôi kéo người nghiện, nhiễm HIV/AIDS cùng tham gia.

Tính từ năm 2011 tới nay, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, đã điều tra, khám phá 5.955 vụ, bắt giữ hơn 6.800 đối tượng tội phạm các loại về ma túy; thu giữ 268,7kg heroin (tương đương với 779 bánh); hơn 40kg ma túy tổng hợp, gần 7,5kg thuốc phiện và nhiều vũ khí, vật chứng liên quan khác.

Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng. Ảnh: ITN

Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng. Ảnh: ITN

Các hiện tượng mê tín dị đoan cũng ngày càng có chiều hướng phát triển trong đời sống văn hóa - xã hội của người dân. Chỉ trên địa bàn TP. Thái Nguyên, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 500 lượt đối tượng hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan theo tổ chức tự xưng “Hội thánh của Đức Chúa trời”; hơn 600 lượt đối tượng hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt theo tà đạo “Pháp Luân Công”; hơn 300 đối tượng tổ chức sinh hoạt trái phép “Pháp môn diệu âm”. Tính riêng năm 2022, lực lượng công an đã xử lý 4 vụ/12 trường hợp tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền tà đạo “Pháp Luân Công” tại các phường Chùa Hang, Quang Trung và Trưng Vương.

Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn

Nhằm ngăn chặn các loại hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong năm 2022, tính đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 656/704 vụ, đạt tỷ lệ 93,2%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 76/77 vụ. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố điều tra 611 vụ, 1.204 bị can; kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 515 vụ, 1.050 bị can. Theo thống kê, 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã được tiếp nhận, thụ lý, trong đó tỷ lệ giải quyết đạt 90,4%.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục củng cố và duy trì 26 loại mô hình quần chúng với tổng số trên 4.000 tổ chức quần chúng tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác dự báo và phân tích về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được phát triển đồng đều, ở một số địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân và tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh đấu tranh, giải quyết các loại án nổi, dư luận xã hội, không để xảy ra tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; kiềm chế, làm giảm số vụ phạm pháp hình sự, cháy nổ, tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo thế trận an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, chủ động phòng ngừa các loại tội phạm và vi phạm pháp luật từ cơ sở.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/tang-cuong-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-tren-dia-ban-tinh-thai-nguyen-i309365/