TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật đòi hỏi không ngừng phải cải tiến, nâng cao hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu này, một số chuyên gia cho rằng, cần tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính và nhân sự, tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động xây dựng pháp luật.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022).

Đây là Nghị quyết đầu tiên đề cập một cách toàn diện, tổng quát về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm, trọng tâm các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trong đó, một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tiến hành để xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cả người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, theo ý kiến một số chuyên gia cần quan tâm, tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính và nhân sự cho công tác xây dựng pháp luật.

PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho xây dựng pháp luật, bảo đảm đủ để đáp ứng một cách thực chất các yêu cầu đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng của chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc điều tra, khảo sát thực tế, đánh giá tác động kinh tế xã hội của chính sách, pháp luật và việc lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật, nòng cốt là đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật; nghiên cứu xây dựng chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế.

Cùng quan điểm, GS. TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, xây dựng pháp luật là hoạt động rất phức tạp, chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức về xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế và là một trong những nguyên nhân chủ yếu của trình trạng bất cập trong xây dựng pháp luật. Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng, phân tích chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản, chế độ trách nhiệm cùng các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật cũng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung là hai trong số nhiều nguyên nhân của những hạn chế hiện nay.

Nhấn mạnh xây dựng chính sách, pháp luật là công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện phải có trình độ chuyên môn sâu, có năng lực phân tích chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế kiến nghị, để đảm bảo tính chuyên nghiệp, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia xây dựng chính sách, pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng chính sách và pháp luật.

Nghiên cứu về nội dung này, PGS.TS Vũ Công Giao – Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, xây dựng pháp luật là công việc đòi hỏi tính chuyên môn và năng lực khoa học rất cao, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật, có chính sách đào tạo, lựa chọn những chuyên gia có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu phù hợp để chuyên trách làm công tác soạn thảo, thẩm định, từ đó góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, cần cải cách cơ chế tài chính để bảo đảm nguồn ngân sách đầy đủ, thích đáng cho công tác xây dựng pháp luật, xem đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật như là một hình thức đầu tư cho phát triển.

Ông Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho biết, mỗi quốc gia có quy định riêng về trình tự thủ tục soạn thảo dự luật. Tuy nhiên, ở một số nước, việc soạn thảo luật được thực hiện rất chuyên nghiệp do những người có chuyên môn đảm nhiệm. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Phan Văn Lâm cho biết, tại Trung Quốc, việc soạn thảo được thực hiện bởi Ủy ban Pháp chế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tại Văn phòng Pháp chế của Hội đồng Nhà nước. Trong bất kỳ trường hợp nào thì việc soạn thảo cũng do một ban đặc biệt soạn thảo, ban này được thành lập với thành phần là chuyên gia kỹ thuật, công chức chính phủ hàng đầu và chuyên gia pháp lý cho từng dự luật cụ thể. Như vậy tính chuyên nghiệp trong soạn thảo văn bản lập pháp thể hiện ngay công tác lựa chọn chuyên gia pháp lý hàng đầu có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu phù hợp.

Trên thực tế, chính sách đúng đắn, nhưng chưa chắc việc quy phạm hóa chính sách đã phản ánh đúng yêu cầu của xã hội, phù hợp với thực tiễn. Từ chủ trương, chính sách đến pháp luật thực định là cả một quá trình người soạn thảo đã tham gia vào mã hóa cụ thể chi tiết của chính sách đó. Giữa chính sách và luật pháp có một khoảng trống, nếu năng lực người soạn thảo không đủ thì quả là một vấn đề tồn tại lớn, dẫn đến chính sách không đi vào điều luật thực định.

Soạn thảo văn bản pháp luật là hoạt động khoa học pháp lý chuyên sâu, đồng thời là một nghề đòi hỏi kỹ năng và trình độ chuyên môn rất cao, ông Phan Văn Lâm nhấn mạnh, chuyên nghiệp hóa trong soạn thảo văn bản là bảo đảm giảm thiểu những sai sót trong kỹ thuật lập pháp và bảo đảm việc chuyển tải chính sách thành ngôn ngữ pháp lý chuyên dùng. Ngoài việc quy trình thủ tục soạn thảo văn bản phải chuẩn hóa chuyên nghiệp thì cần phải đội ngũ được đào tạo, làm việc chuẩn hóa về năng lực pháp lý và vốn sống thực tiễn./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77898