Tăng cường đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yếu tố vô cùng quan trọng trong khởi nghiệp. Trong đó, sự liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp sẽ tạo thuận lợi cho việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Thông qua đó, giá trị của ĐMST cũng được lan tỏa trong xã hội.

Các thành viên nhóm dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain thảo luận nhóm. Ảnh: T.Vi

Các thành viên nhóm dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain thảo luận nhóm. Ảnh: T.Vi

* Thúc đẩy liên kết viện, trường với doanh nghiệp

Năm 2019, với dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain, nhóm giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đã đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Đồng Nai. Blockchain (chuỗi khối) không phải là một công nghệ mới và đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng… Tuy vậy, dự án khởi nghiệp này vẫn được Ban giám khảo đánh giá cao ở tính mới, tính sáng tạo.

Điểm mới của dự án này là các tác giả đã kết hợp công nghệ Blockchain với nền tảng IoT. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã tạo nên một ứng dụng với các chức năng: truy xuất nguồn gốc, kết nối người dùng, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất, tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp sạch.

Không đơn thuần là một sản phẩm dự thi, dự án này đã được nhóm khai thác thương mại trong thực tế. Ngoài ra, nhóm còn phối hợp với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ ThoMi (TP.Biên Hòa) thực hiện nhiều nghiên cứu khác, chủ yếu thuộc 2 lĩnh vực: smart home (ngôi nhà thông minh) và phần mềm quản lý cho doanh nghiệp. Các nghiên cứu này đều được thương mại hóa.

Từ những thành công bước đầu này, anh Phan Kiên Cường, người sáng lập ThoMi mong muốn được hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH-CN để có điều kiện phát triển hơn nữa.

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ ThoMi, nhóm tác giả dự án Blockchain nói trên có thể được xem là điển hình của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Tinh thần không ngừng ĐMST; sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp như trường hợp nêu trên chính là điều mà ngành KH-CN đang khuyến khích, thúc đẩy.

Năm 2020 là năm được Bộ KH-CN tiếp tục thực hiện đổi mới tư duy trong công tác quản lý KH-CN và ĐMST. Trong đó, việc đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia sẽ chú trọng theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây chính là cơ hội để các giá trị của ĐMST được lan tỏa trong xã hội.

* Chính sách khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng tạo

Khuyến khích và thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm mà Sở KH-CN luôn quan tâm thực hiện. Trong những năm qua, hội thi Sáng tạo kỹ thuật và chương trình phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập ở Đồng Nai đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của các giải pháp sáng tạo cũng không ngừng được nâng lên.

Đạt được kết quả đó là nhờ Đồng Nai đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Đồng thời, tỉnh cũng có cơ chế tạo thuận lợi cho việc ứng dụng thành quả của nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn.

Đặc biệt, năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 161/2019/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi cho hoạt động sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nghị quyết này quy định mức tiền thưởng của giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh là 35 triệu đồng; mức tiền thưởng của giải nhất chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập lên đến 25 triệu đồng… Tiền thưởng cao là một trong những động lực thúc đẩy ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học - kỹ thuật - công nghệ.

Từ năm 2015 đến nay, Sở KH-CN đã tham mưu Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh họp xét công nhận gần 2.300 sáng kiến trong lĩnh vực quản lý nhà nước và gần 1.900 sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục để làm căn cứ công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và khen thưởng cấp cao. Nhiều sáng kiến, giải pháp có khả năng áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Sở KH-CN, riêng trong giai đoạn 2017-2019, có 149 giải pháp sáng tạo đã được ứng dụng trong thực tế.

Theo Sở KH-CN, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ hỗ trợ cho 30 dự án khởi nghiệp ĐMST; 5 dự án ươm tạo doanh nghiệp KH-CN; hỗ trợ và phát triển 3 doanh nghiệp KH-CN; hỗ trợ 5 trường đại học, cao đẳng có giảng viên, giáo trình và giảng dạy về khởi nghiệp; gia tăng chỉ số khởi nghiệp của tỉnh thêm 20%; phấn đấu có 10 tổ chức nghiên cứu phát triển và 7 tổ chức dịch vụ KH-CN; chỉ số ĐMST và một số lĩnh vực KH-CN của tỉnh Đồng Nai đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN.

Tường Vi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202009/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-lan-thu-xi-nhiem-ky-2020-2025-tang-cuong-doi-moi-sang-tao-3023544/