Tăng cường đồng hành cùng thanh niên vùng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, với chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự khích lệ của nhân dân, tuổi trẻ cả nước đã và đang lao động sản xuất, biến những dự định, hoài bão thành hiện thực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng cuộc sống ấm no.

Tiếng nói từ cơ sở

Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Trong cuộc hành trình đầy vinh quang và thử thách này, mỗi thanh niên dù ở đâu, lĩnh vực nào, ngoài hoài bão, tri thức, nỗ lực bản thân cũng rất cần sự đồng hành từ người thân, thế hệ đi trước, các tổ chức đoàn thể tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương nơi họ sống, học tập và lao động.

Nhận thức được vai trò đồng hành cùng thanh niên, các địa phương vùng Tây Bắc đã triển khai xây dựng các chương trình phát huy tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết của thanh niên, giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp. Nổi bật là công tác hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm; hoạt động hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế. Đơn cử tại tỉnh miền núi Điện Biên, vùng đông đồng bào dân tộc, năm 2018, đoàn thanh niên các cấp đã tư vấn hướng nghiệp cho hơn 15 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên; giải quyết việc làm cho hơn sáu nghìn thanh niên; tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho hơn hai nghìn học sinh; tập huấn mô hình kinh tế; hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ...

Các tổ chức đoàn trong trường học cũng coi trọng hỗ trợ, khuyến khích học sinh, sinh viên sáng tạo, thi đua học tập nghiên cứu khoa học; tạo môi trường hỗ trợ giáo viên, giảng viên trẻ người dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức, nghiệp vụ; quyên góp học bổng và hỗ trợ học sinh, sinh viên vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi... Nhưng cũng tại tỉnh Điên Biên, trong khi từ các chương trình hỗ trợ, nhiều thanh niên đã khẳng định được bản thân trong lao động và học tập, làm giàu và cống hiến, thì lại có một thực tế khác, còn một bộ phận, tỷ lệ không nhỏ thanh niên thất học, thiếu việc làm, sống buông thả, sa vào tiêu cực, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật... Thực tế cho thấy nhận thức, trình độ của thanh niên nhiều địa phương nơi đây không đồng đều, nếu không muốn nói còn khoảng cách khá xa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc quản lý, giáo dục, các chương trình đồng hành cùng thanh niên ở tỉnh chưa đồng bộ, chưa được phủ khắp trong từng làng xã, thôn, bản, khu dân cư và từng nhóm thanh niên. Thực tế này dẫn đến còn khoảng cách khá lớn giữa các bộ phận, cá nhân thanh niên trong thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển dành cho tuổi trẻ.

Không ai có thể thay thế mỗi thanh niên trong việc làm chủ bản thân, vươn lên lập thân, lập nghiệp, nhưng trong quá trình này, cùng với chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành đối với thanh niên, rất cần có sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng và các đoàn thể chính trị địa phương, cơ quan, đơn vị để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Theo đó, bằng các chương trình, các hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, năng lực để tuổi trẻ khởi nghiệp; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng lập nghiệp; tìm kiếm, phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn; tăng cường hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh trong thanh niên; huy động nguồn lực xã hội để tổ chức hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho tuổi trẻ... Làm sao để cả xã hội và gia đình cùng chung sức tạo hành lang, làm “bà đỡ” giúp tuổi trẻ sống đẹp, cống hiến cho cộng đồng và gia đình, xã hội.

LÊ THỤY ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/39213802-tang-cuong-dong-hanh-cung-thanh-nien-vung-dan-toc-thieu-so.html