Tăng cường gắn kết giữa Báo Công Thương với Hội nhà báo Hàn Quốc

Ngày 13/10, Báo Công Thương đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu báo chí Hội nhà báo Hàn Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam với mong muốn tìm hiểu về sự vận động, phát triển của báo chí Việt Nam trong những năm gần đây, cũng như tham khảo kinh nghiệm làm báo của Báo Công Thương trong quá trình chuyển đổi này.

Tổng biên tập Nguyễn Hữu Quý giới thiệu các ấn phẩm của Báo Công Thương với Đoàn nhà báo Hàn Quốc

Tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Công Thương - ông Nguyễn Hữu Quý đã chia sẻ, giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển và những chuyển động của Báo Công Thương thời gian gần đây để bắt kịp với xu thế phát triển mới của báo chí hiện đại.

Theo ông Nguyễn Hữu Quý, Báo Công Thương đến nay đã được 67 năm, tiền thân là tờ tin Công Thương. Để có sự phát triển như hiện nay, Báo đã trải qua 9 lần sáp nhập gắn với việc sáp nhập của 12 bộ, ngành. "Bộ Công Thương là một Bộ kinh tế đa ngành, đóng góp 70% GDP cho đất nước, với các lĩnh vực kinh tế trụ cột như thương mại, xuất nhập khẩu, năng lượng; quản lý các hoạt động của nhiều đơn vị trải dài khắp nước cũng như các vấn đề hội nhập, quốc tế. Vì vậy, là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, Báo Công Thương luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm nặng nề để không ngững nỗ lực, phát triển đáp ứng yêu cầu của cơ quan chủ quản"- ông Nguyễn Hữu Quý bày tỏ.

Hai bên trao đổi, làm việc tại studio của Báo

Trong xu thế phát triển của báo chí hiện đại, theo Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Quý, Báo Công Thương cũng đã nhanh chóng xác định rõ hướng đi của mình. Đồng thời, với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo, đã góp sức để Báo Công Thương có sự phát triển, lớn mạnh như hiện nay. Hiện Báo Công Thương có 200 cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên với 2 trụ sở nòng cốt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Báo còn có các cơ quan đại diện ở các trung tâm kinh tế của đất nước như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh, Nghệ An.

Ông Nguyễn Hữa Quý cho biết, để đáp ứng nhu cầu thông tin, phản ánh các hoạt động của Bộ Công Thương, các phóng viên, người lao động đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để phản ánh sinh động các hoạt động của bộ kinh tế đa ngành. Đặc biệt, cuộc CMCN 4.0 đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, diễn đàn của giới Công Thương, Báo Công Thương đã từng bước triển khai các giải pháp quyết liệt, hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí để phù hợp với xu thế chung này. Nhất là trong 2 năm gần đây, Báo Công Thương đã có sự chuyển động tích cực, bằng sự đầu tư hạ tầng cơ sở; tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng chuyên sâu, bồi dưỡng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Ngoài ra, chia sẻ thêm, Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Quý cho hay, Báo Công Thương đã dành nguồn lực đầu tư trang thiết bị phòng quay, đào tạo, nâng cao kỹ năng quay, dựng phim cho phóng viên…, và chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều phóng sự và tin, bài bằng hình ảnh dưới dạng video clip đã được các phóng viên, biên tập viên Báo Công Thương thực hiện, thu hút hàng chục nghìn lượt xem.

Hai bên chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí thời kỳ CMCN 4.0

Tại buổi làm việc, đoàn Hội nhà báo Hàn Quốc đã bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về quy mô, cũng như sự đầu tư về nguồn lực và nhân lực của Báo Công Thương. Qua đó cho thấy vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam, cũng như đã thể hiện sâu sắc, toàn diện về tinh thần, đời sống của người dân Việt Nam.

Đoàn nhà báo Hàn Quốc bày tỏ ấn tượng với ấn phẩm Công Thương miền núi

Theo ông Jung Kyu Sung Chủ tịch Hội nhà báo Hàn Quốc, các ấn phẩm đa dạng thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau với nội dung chân thực, sinh động về các hoạt động kinh tế, xã hội đã phản ánh những nỗ lực rất lớn của Báo Công Thương. Đồng thời ông Jung Kyu Sung cho hay, bản thân ông và các thành viên của đoàn đánh giá cao những nỗ lực của Báo trong việc đưa thông tin đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau, trong đó rất ấn tượng và xúc động với ấn phẩm Công Thương miền núi phục vụ độc giả là bà con các dân tộc thiểu số. “Những dịp gặp gỡ, trao đổi như vậy chính là cơ hội để Hội nhà báo Hàn Quốc giới thiệu Báo Công Thương đến với các đơn vị ngôn luận của Hàn Quốc” - Ông Jung Kuy Sung cho biết.

Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc Jung Kyu Sung chia sẻ với phóng viên

Hai nước Việt Nam và Hàn Quốc vừa trải quan hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với những bước phát triển lớn về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế. Đóng góp cho sự phát triển đó cũng phải kể đến vai trò truyền thông của báo chí. Trong đó, Báo Công Thương cũng là một kênh thông tin phản ánh rất đầy đủ và chân thực về mối quan hệ này.

Theo Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Quý, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tạo cơ sở, niềm tin và là tiền đề cho doanh nghiệp hai nước phát huy tối đa tiềm năng và khai thác tốt các cơ hội hợp tác. Đặc biệt, nguồn FDI lớn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần cho sự phát triển kinh tế và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Báo Công Thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành nhằm lan tỏa thông tin về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tổng biên tập Nguyễn Hữu Quý cũng nhấn mạnh, các hoạt động, phát triển Hội Nhà báo Hàn Quốc chia sẻ trong buổi làm việc hôm nay là những kinh nghiệm quý báu để báo Công Thương học tập, phát triển. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, chuyến thăm đầy ý nghĩa sẽ góp phần hết sức tích cực vào việc phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung và quan hệ hợp tác giữa Báo Công Thương và Hội nhà báo Hàn Quốc nói riêng.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-gan-ket-giua-bao-cong-thuong-voi-hoi-nha-bao-han-quoc-110213.html