Tăng cường giám sát của Mặt trận và nhân dân

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực: Một trong những vấn đề mà cử tri rất quan tâm là làm thế nào để phát huy hiệu quả đầu tư công; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình. Ảnh: Quang Vinh.

Bất cập tinh giản biên chế và chất lượng bộ máy

ĐB Phạm Xuân Thăng (Đoàn Hải Dương) cho rằng, đối chiếu các Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương thì tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu, số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%; tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc.

“Do đó cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng”- ông Thăng kiến nghị.

Theo ĐB Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ), chủ trương về việc tinh giản biên chế rất tốt nhưng chưa có hướng dẫn khiến địa phương lúng túng, mỗi nơi làm một cách khác nhau. Việc giảm biên chế còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo. Vì vậy việc tinh giản biên chế viên chức vừa qua làm xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các địa phương.

“Đơn cử như ngành giáo dục thiếu 76 nghìn giáo viên. Không thể để nhồi nhét học sinh ở một lớp quá đông, không thể ghép điểm trường ở miền núi khiến các em phải đi học quá xa. Do đó phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên, làm sao có cơ chế để địa phương sắp xếp đội ngũ nhất là tuyển chọn giáo viên, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục”- ông Thưởng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý hiện đang sáp nhập thôn, xã, huyện nhưng hiện ít xã đủ tiêu chí vì mỗi vùng có điều kiện khác nhau vì vậy Chính phủ cần sớm có hướng dẫn thực hiện.

Cùng chung nhận định việc tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhìn nhận, tinh giản biên chế đang bị vận dụng một cách “cứng nhắc”, “không thực tế”, tiềm ẩn nguy cơ tái hụt lao động trong tương lai khi học sinh bị dồn lớp không đảm bảo chất lượng. Từ đó ông Vượt kiến nghị Bộ Nội vụ cần xuống địa phương để lắng nghe, nắm tình hình và có giải pháp khắc phục.

Đưa ra những dẫn chứng về tình trạng phạt cho tồn tại là sự tích tụ, hủy hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền. Như vụ diễn ra ở Hải Phòng, cả khu đất quốc phòng rộng 14,2 ha ở quận Hải An mà qua tay xã hội đen đã trở thành đô thị trước sự bất lực của chính quyền; hay vụ việc biệt thự, nhà dân mọc lên hàng loạt ở khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội), ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) đã chỉ ra những bất cập về chất lượng của bộ máy công quyền. Bởi rõ ràng bộ máy chính quyền phải chịu trách nhiệm, vì chắc chắn không có gì lọt qua mắt nhưng sẽ có những cái lọt qua tay, từ đó ông Quốc kiến nghị Thủ tướng có lộ trình chấm dứt “cái gọi là phạt cho tồn tại”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Đến nay, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới còn 1.200 tỷ đồng, giảm được 92%. Nếu tới đây các tỉnh được công nhận nông thôn mới sẽ xử lý được hết nợ đọng. Ảnh: Quang Vinh.

Thất thoát trong đầu tư công

Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) năm 2018 tình hình kinh tế-xã hội kết thúc thắng lợi, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên điều khiến ông Cầu và cử tri băn khoăn khi thất thoát lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công còn quá lớn.

“Đơn cử như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 nghìn tỷ đồng vừa mưa vài trận đã hỏng; Dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành, tính đến nay đội vốn hơn 200%. Còn Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Suối Tiên (TP HCM) cũng đội vốn hơn 47 nghìn tỷ đồng, tăng 273%, và hiện mới hoàn thành 52% khối lượng công việc. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn, tương đương 97,2 triệu USD. Tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là điều có thể xảy ra”- ông Cầu nói đồng thời nhấn mạnh “cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ GTVT xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư cả trăm nghìn tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh”.

Cũng theo ông Cầu, cử tri thất vọng với việc đổi mới kỳ thi quốc gia, và nói như ông “đây là điểm đen” không nên có. Năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo ra những cơn mưa điểm 10, nhưng năm 2018 quá khó, dẫn tới việc phát hiện gian lận trong thi cử ở nhiều tỉnh, thành. Đây là những vấn đề điểm đen cần có giải pháp căn cơ thời gian tới.

Cùng chung điểm, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng bày tỏ những băn khoăn trong vấn đề đầu tư đang bị thất thoát lãng phí. Do đó, theo bà Thu, cần tăng cường giám sát của MTTQ Việt Nam, nhân dân tại các công trình trọng điểm có vốn đầu tư cao.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

* Giá gạo đã vượt Thái Lan, Ấn Độ

Giải trình trước các vấn đề ĐB đặt ra về nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, tình trạng nông sản được mùa mất giá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xây dựng nông thôn mới là nội dung lớn, trước đây cách đây 3 năm nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến 16 nghìn tỷ đồng, huy động nguồn lực không phù hợp với vùng miền nên khoảng cách giàu nghèo càng khó khăn.

Tuy nhiên đến nay đã có 40,3% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2019 hoàn thành 50% số xã, và cơ bản về đích trước 1 năm so với yêu cầu Quốc hội đặt ra (năm 2020). Đến nay, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới còn 1.200 tỷ đồng, giảm được 92%. Nếu tới đây các tỉnh được công nhận nông thôn mới sẽ xử lý được hết nợ đọng. Chính phủ đã ban hành 19 tiêu chí và địa phương không phản ánh cho nên là phù hợp.

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Cường khẳng định đang đi đúng hướng, có kết quả, sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng, đến nay nông sản của ta đã xuất khẩu đi hơn 180 quốc gia; 5 năm qua giá trị xuất khẩu 200 tỷ USD, thặng dư đem lại cho đất nước 50 tỷ USD; đến nay 30 nhóm sản phẩm xuất khẩu được áp dụng khoa học công nghệ cao vào trong sản xuất khiến tăng giá trị sản phẩm. Như hiện nay giá gạo của ta đã vượt Thái Lan, Ấn Độ, nghĩa là đã tăng được về mặt giá trị.

* Không cắt giảm giáo viên theo kiểu cơ học

Đề cập đến vấn đề giáo viên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ chịu trách nhiệm về vấn đề chất lượng giáo viên. Còn tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo phân cấp là do chính quyền địa phương. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng cũng kiến nghị, Bộ Nội vụ, các địa phương trong tinh giản biên chế cần ưu tiên bố trí giáo viên, không cắt giảm theo kiểu cơ học. “Như lời Thủ tướng nói “ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”; tránh việc ở vùng sâu xa, vùng khó khăn dồn các cháu vào 1 nơi. Ở những nơi xa nhà sẽ khiến các cháu bỏ học”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tha thiết.

M.Loan- H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/tang-cuong-giam-sat-cua-mat-tran-va-nhan-dan-tintuc421012