Tăng cường giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong trường học

PTĐT - Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn còn đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vào các chương trình...

Trường Tiểu học Kim Đức lồng ghép hát Xoan trong các giờ học tự chọn, sinh hoạt tập thể hoặc hoạt động ngoại khóa.

PTĐT - Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn còn đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vào các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Hoạt động này đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trường Tiểu học Kim Đức, thành phố Việt Trì là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động giáo dục di sản trên địa bàn thành phố nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Những năm qua, nhà trường đã dành một số tiết học nhất định trong bộ môn Âm nhạc để dạy hát Xoan, lồng ghép trong các giờ học tự chọn, sinh hoạt tập thể hoặc hoạt động ngoại khóa.
Bên cạnh đó, nhà trường còn thành lập Câu lạc bộ hát Xoan và mời nghệ nhân của các phường Xoan gốc đến phối hợp với giáo viên bộ môn để hướng dẫn cho các em. Hiện nay, câu lạc bộ có khoảng 30 - 50 thành viên, từ 6-10 tuổi, hoạt động đều đặn, sôi nổi, thường xuyên đi biểu diễn trong các chương trình, sự kiện lớn của xã cũng như phục vụ du khách tham quan. Nhiều em học sinh trưởng thành từ câu lạc bộ, trở thành hạt nhân, thành viên tích cực.

Nhà trường còn thành lập Câu lạc bộ Hát Xoan có từ 30-50 thành viên

Cô Đào Thị Thúy Hằng– Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đức cho biết: “Việc đưa hát Xoan vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Tạo điều kiện đưa hát Xoan đến với thế hệ trẻ, để hiểu biết và nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước, từ đó đặt nền móng cho sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả và bền vững”.

Trường Tiểu học Tân Sơn xây dựng không gian văn hóa Mường ngay tại nhà trường.

Tại nhiều trường trên địa bàn các huyện miền núi cũng đã áp dụng mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”. Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Tân Sơn đã xây dựng không gian văn hóa Mường ngay tại nhà trường. Với các dụng cụ sinh hoạt, trang phục truyền thống… được người dân địa phương đóng góp để xây dựng nên không gian văn hóa sinh động, phong phú, góp phần hỗ trợ tích cực trong giáo dục và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc Mường.
Nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép các điệu múa, trò chơi, trò diễn dân gian để các em được hòa mình vào không gian văn hóa dân tộc. Vào các ngày lễ lớn của đất nước, các hội thi được tổ chức như: Văn hóa ẩm thực dân tộc Mường, trình diễn trang phục dân tộc…Thầy Vũ Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn cho biết: “Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục văn hóa truyền thống. Nhà trường cũng yêu cầu các thầy, cô giáo được phân công nhiệm vụ truyền dạy văn hóa tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh, ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn, từ đó có thêm kiến thức nhằm truyền dạy cho học sinh được tốt hơn”.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: Múa, hát, trò diễn dân gian để các em được hòa mình vào không gian văn hóa dân tộc.
Việc giáo dục di sản trong trường học đã mang lại hiệu quả thiết thực, các thầy, cô giáo đã giúp các em học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, từ đó thu hút các em tham gia vào hoạt động của nhà trường, xây dựng môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202104/tang-cuong-giao-duc-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-trong-truong-hoc-176513