Tăng cường giáo dục quyền con người từ cấp cơ sở

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện với nhiều đổi mới, hướng đến người dân, lấy con người làm trung tâm. Việc giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn - những người tiếp xúc trực tiếp với người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành văn hóa, tác phong, ý thức tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người từ cấp cơ sở.

Tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ảnh minh họa

Vẫn còn những khoảng trống

Giáo dục quyền con người (QCN) nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các QCN, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.

Tại Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1993 đã coi “giáo dục, đào tạo và thông tin công cộng về QCN là thiết yếu để thúc đẩy việc đạt được các mối quan hệ ổn định và hài hòa giữa các cộng đồng, và để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sự khoan dung và hòa bình”. Đây là cơ sở căn bản để giúp cho mọi cá nhân trong xã hội “đạt tới sự hiểu biết và nhận thức chung để củng cố sự cam kết toàn cầu đối với các QCN”. Tuyên bố đã khuyến cáo với các Chính phủ, cần thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết đầy đủ hơn về các QCN và sự khoan dung cho “các nhóm đặc biệt như các lực lượng quân đội, các nhân viên thực thi pháp luật, cảnh sát và nhân viên y tế”.

Năm 2011, LHQ thông qua Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo nhân quyền, trong đó khẳng định “Giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và việc thực thi trên toàn cầu tất cả các QCN và tự do căn bản cho tất cả mọi người theo các nguyên tắc phổ quát, không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau của các QCN”.

Như vậy, việc giáo dục QCN nói chung và giáo dục QCN cho cho đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn - những người trực tiếp “hiện thực hóa” các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở cấp cơ sở là yêu cầu khách quan, tất yếu, nhất là bối cảnh hội nhập hiện nay. Với vị trí, chức trách của mình, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn phải được trang bị những kiến thức cơ bản về QCN đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế, trong các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn tại các địa phương, giáo dục nâng cao nhận thức về QCN của một bộ phận cán bộ, công chức nói chung, ở xã, phường, thị trấn vẫn còn những khoảng trống nhất định.

Về chương trình đào tạo lý luận chính trị. Theo Quyết định số 292-QĐ/HVTQG ngày 21-2-2021 về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, chỉ có 1 chuyên đề: “Bảo đảm QCN ở Việt Nam” với thời lượng 4 tiết, nên khó bảo đảmđầy đủ được những nội dung về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về QCN, những vấn đề về QCN gắn với thực tiễn công tác của cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn…

Về đội ngũ chuyên gia, giảng viên. Đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này còn thiếu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, kỹ năng và việc triển khai giáo dục QCN. Hiện nay, rất ít cơ sở đào tạo mã ngành sau đại học chuyên ngành pháp luật về QCN như Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện QCN thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…

Về chương trình đào tạo. Hiện chưa có khung chương trình, nội dung chi tiết, phương pháp phù hợp dành riêng để tuyên truyền, giáo dục QCN cho đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.

Về tài liệu, giáo trình. Việc giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn vẫn chưa có giáo trình, tài liệu được biên soạn riêng, đa phần vẫn sử dụng các tài liệu, giáo trình giảng dạy chung.

Cùng với đó, việc bố trí kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác giáo dục QCN cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn rất hạn chế, cũng cản trở không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng của hoạt động giáo dục này.

Hội nghị Ban điều hành Đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Một số đề xuất định hướng

Trước đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, năng lực và khả năng phục vụ người dân của cán bộ, công chức, đặc biệt ở cấp xã, phường, thị trấn là người tiếp xúc và giải quyết trực tiếp các nhu cầu của người dân, việc giáo dục QCN cho nhóm đối tượng này càng trở nên cấp thiết, bởi: (i) Tăng cường giáo dục, bảo vệ, bảo đảm QCN cũng chính là tăng cường phòng ngừa sự tha hóa quyền lực từ bản thân của cán bộ, công chức ở cơ sở, đạt mục tiêu quan trọng của hoạt động giáo dục QCN là xây dựng thái độ tôn trọng đối với công dân, hướng đến hình thành ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, công chức, có thái độ tận tình phục vụ người dân trong việc thực hiện dịch vụ công nói riêng và trong hoạt động công vụ nói chung. Giáo dục QCN cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, cũng chính là giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và nhân văn, tôn trọng phẩm giá và các QCN; (ii) Giáo dục QCN còn là hướng dẫn, xây dựng các kỹ năng quan trọng cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, những kỹ năng giải quyết tình huống liên quan QCN để tránh sự vi phạm QCN.

Thời gian qua, việc tập huấn về công tác nhân quyền đã được quan tâm, chú trọng, tổ chức định kỳ hằng năm cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, thành phố và tới cấp huyện, xã, thị trấn. Riêng lực lượng Công an cũng đã triển khai tập huấn công tác nhân quyền đến công an cấp xã, phường, thị trấn. Chương trình tập huấn đa dạng từ lí luận về vấn đề QCN trên bình diện thế giới, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong bảo đảm QCN trên tất cả các lĩnh vực chính trị kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như những nội dung thực tiễn công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền; nhận diện thủ đoạn chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch; công tác thông tin tuyên truyền về QCN… Việc triển khai, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức để cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở có cách tiếp cận đúng đắn trong ứng xử, giải quyết các vấn đề liên quan đến QCN của người dân.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức về QCN của cán bộ cả ở Trung ương và địa phương, đồng thời hạn chế các vụ việc vi phạm quyền con người, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền địa phương phải là lực lượng đi đầu trong nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của QCN và giáo dục QCN trong bối cảnh hiện nay, từ đó định hướng, tổ chức triển khai công tác giáo dục QCN cho cán bộ, công chức cấp xã hiểu được những giá trị nhân văn, tiến bộ về QCN, gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, góp phần hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Hai là, cần tổ chức các hoạt động giáo dục QCN cho cán bộ, công chức cấp xã, đưa nội dung QCN vào các chương trình lý luận chính trị, quản lý nhà nước và giáo dục không chính thức gắn với dịp kỷ niệm như “Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11”, “Ngày Nhân quyền thế giới 10-12”…

Ba là, các cơ sở đào tạo có thẩm quyền cần xây dựng khung chương trình học, khối lượng kiến thức phù hợp với trình độ chuyên môn, khả năng nhận thức, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, nhằm bảo đảm việc truyền tải nội dung giáo dục QCN hấp dẫn, sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng, gắn với công tác thực tiễn của từng cán bộ, công chức cấp xã.

Bốn là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, chuyên gia có trình độ cao, am hiểu sâu sắc về QCN, có khả năng sư phạm, kiến thức thực tiễn…, nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục QCN trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Năm là, bảo đảm đầy đủ các điều kiện kinh phí, vật chất, các tài liệu, giáo trình riêng phục vụ công tác giáo dục QCN, quyền công dân. Đồng thời, các địa phương cần sắp xếp, bố trí thời gian khoa học, hợp lý để lực lượng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn có thể tham gia các khóa học, các chương trình học liên quan QCN một cách thực chất, hiệu quả.

Sáu là, tiếp tục quán triệt cho lực lượng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn nhận thức được đầy đủ, có trách nhiệm đối với yêu cầu học tập, nghiên cứu về QCN và ứng dụng những kiến thức đã tiếp thu là một nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người cán bộ, công chức. Từ đó, góp phần nâng cao khả năng “đề kháng” đối với những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, kích động của các thế lực phản động, thù địch về công tác nhân quyền nói chung, công tác giáo dục QCN nói riêng ở Việt Nam hiện nay.

Điều 26 của Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới (UDHR) ghi nhận rằng mọi người đều có quyền được giáo dục, theo đó, "Giáo dục phải hướng đến sự phát triển đầy đủ của nhân cách con người và tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Nó sẽ thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và sẽ thúc đẩy các hoạt động của Liên hiệp quốc vì sự duy trì hòa bình".

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1993.

2. Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền năm 2011.

3. Quyết định số 1309/QĐ -TTg ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

4. Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/tang-cuong-giao-duc-quyen-con-nguoi-tu-cap-co-so-20859