Tăng cường hậu kiểm các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, DN được tự công bố chất lượng sản phẩm và chỉ thực hiện 1 lần. Tuy nhiên, để tránh tình trạng 'công bố chất lượng một đằng, sản phẩm làm ra chất lượng một nẻo', các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác hậu kiểm.

Là DN có 90% sản phẩm thủy sản xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới, Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) đã thực hiện việc tự công bố chất lượng một số sản phẩm như: Da cá tuyết rong biển sấy giòn, cá mai sấy lá chanh, cá bò nướng… Đây là các sản phẩm phân phối ở thị trường nội địa. Theo đại diện Công ty Baseafood, việc DN tự công bố chất lượng sản phẩm giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về các sản phẩm của DN, còn về phía DN chủ động hơn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Không chỉ có các DN lớn, đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, nhiều DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể cũng thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định 15. Công ty TNHH Nước mắm Ánh Phương (ấp Thạnh Sơn A2, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) là một ví dụ. Ông Trương Viết Văn, Giám đốc công ty cho biết, quy trình sản xuất nước mắm tại công ty được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Mỗi công đoạn đều được kiểm soát kỹ từ nguyên liệu đến chế biến, đóng gói bao bì... Mỗi năm, DN thu mua khoảng 100 tấn cá cơm tại các vùng biển Bình Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, BR-VT... để sản xuất và đưa ra thị trường bình quân 600 ngàn lít nước mắm. Trước đây, 3 năm một lần, công ty phải làm hồ sơ, gửi mẫu cho cơ quan chức năng kiểm tra các chỉ tiêu dành cho nước mắm. Mỗi lần kiểm định như vậy rất tốn kinh phí và thời gian. Tuy nhiên, theo Nghị định 15, công ty chỉ phải gửi hồ sơ đã được cơ quan chức năng kiểm định đạt chuẩn để công bố chất lượng sản phẩm và chỉ phải công bố 1 lần. Hiện công ty đã đăng ký công bố chất lượng cho nước mắm (loại I) và nước chấm tại Sở NN-PTNT.

Đóng nước mắm vào chai tại Công ty TNHH Nước mắm Ánh Phương.

Nghị định 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ tháng 2-2018 đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Hiện nay, ngoài 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt, đa số thực phẩm thông thường (khoảng 70-75%) DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm hậu kiểm. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho DN hoạt động. Ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, hiện nay, Sở Công thương quản lý 8 lĩnh vực ATTP như rượu, bia, nước giải khát có gas, bánh kẹo, sản phẩm chế biến từ tinh bột, dầu thực vật, sữa chế biến và bao bì. Trước đây, để được công nhận chất lượng sản phẩm, DN phải làm hồ sơ và gửi mẫu đến Sở Y tế để được xác nhận đạt các tiêu chí về ATTP và 3 năm phải kiểm tra lại 1 lần. Còn theo Nghị định 15, DN chỉ phải gửi hồ sơ đã được công nhận chất lượng sản phẩm để đăng ký với cơ quan chức năng về chất lượng và chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm đăng ký. DN sản xuất sản phẩm nào sẽ đăng ký chất lượng của sản phẩm đó về thành phần sản phẩm, bao bì, chất lượng sản phẩm… Sau khi tiếp nhận, cơ quan chức năng sẽ đánh giá, hồ sơ nào đạt tiêu chuẩn sẽ được đăng tải trên website của sở.

Cơ sở bánh trung thu Văn Mỹ Phong đã đăng ký tự công bố chất lượng sản phẩm cho các loại bánh trung thu của cơ sở tại Sở Công thương. Trong ảnh: Sản xuất bánh trung thu tại cơ sở bánh trung thu Văn Mỹ Phong.

Trong khi đó, theo ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, hiện Chi cục đã đăng tải công khai trên website của Sở NN-PTNT danh sách 31 DN, đơn vị với 46 sản phẩm thuộc ngành NN-PTNT quản lý gồm tên DN, địa chỉ, tên sản phẩm công bố. Với quy định tại Nghị định 15, trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, DN phải nộp hồ sơ bao gồm phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn... để cơ quan Nhà nước kiểm tra, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn DN tự công bố (hình thức tiền kiểm). Trong quá trình kinh doanh, cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm (hình thức hậu kiểm) để giám sát chất lượng. “Tuy nhiên, do đây là Nghị định mới nên việc hậu kiểm còn gặp khó khăn do chưa có bộ tiêu chuẩn các chỉ tiêu cụ thể thống nhất trên toàn quốc. Trước mắt, Chi cục chỉ triển khai hậu kiểm đối với các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao về ATTP như: Giò chả, cà phê, thủy sản khô… Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tỉnh, các cấp, các ngành xem xét bố trí kinh phí để phục vụ công tác hậu kiểm”, ông Trịnh Đức Toàn nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201811/nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-tang-cuong-hau-kiem-cac-doanh-nghiep-tu-cong-bo-chat-luong-san-pham-822088/