Tăng cường hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân

Nhằm chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp (DN) và người dân chịu ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch nCoV) gây ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có công văn chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng triển khai các biện pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Ngày 4-2-2020, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV. Theo nội dung của văn bản trên, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD), NHNN Việt Nam yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau: Đối với các TCTD, cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ SXKD theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 cùng với chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 3-1-2019 về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020. Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình SXKD, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều, như: Du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Hoạt động giao dịch tại VPBank khi có dịch nCoV.

Giảm lãi suất cho vay khi cần thiết

Theo Phó thống đốc thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú: Dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến SXKD của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng. Theo đó, NHNN Việt Nam yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ DN, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV gây ra. Chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá hai tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này; tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu. Mặt khác, NHNN Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ông Đào Minh Tú cho rằng, thanh khoản của các NHTM hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động; trong trường hợp cần thiết, NHNN Việt Nam sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các NHTM giảm lãi suất, hỗ trợ DN, người dân.

Nhận định các DN có thể chịu ảnh hưởng không nhỏ trước dịch nCoV và cũng là thực hiện văn bản của NHNN Việt Nam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ngay lập tức có những hành động thiết thực để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn này. Cụ thể, trong danh mục khách hàng của VPBank, những DN được đánh giá sẽ chịu tác động lớn dịp này gồm: DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng-ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang); các DN có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản; các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc… Những DN này sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động do dịch nCoV lên tới gần 1.000 DN và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay: “Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tài chính hỗ trợ quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng diễn ra trôi chảy. Bởi vậy, khi dịch nCoV xảy ra, ngành ngân hàng chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ. Một lượng lớn khách hàng của ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, du lịch... là những nhóm chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt khi đối tác của chúng ta chủ yếu đến từ Trung Quốc. NHNN Việt Nam đã có những chính sách chỉ đạo kịp thời như yêu cầu các NHTM hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do dịch nCov gây ra. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời. Do đó, rất cần sự chỉ đạo đúng đắn từ Chính phủ, NHNN cùng với sự tham gia của cả hệ thống để có những giải pháp cụ thể trong tìm kiếm đa dạng đối tác thương mại, nhà cung cấp... Đối với các NHTM, bên cạnh những chính sách hỗ trợ khách hàng cũng cần có sự dịch chuyển danh mục cho vay, tư vấn khách hàng vay vốn tìm đến những thị trường mới, bạn hàng mới.

VIỆT ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-cuong-ho-tro-tin-dung-doi-voi-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-609511