Tăng cường hoạt động chất vấn của Quốc hội

Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo khoa học 'Giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam hiện nay' do Thanh tra Chính phủ tổ chức vào ngày 7/12. TS Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội thảo.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh chủ trì hội thảo. Ảnh: TH

Giám sát, đánh giá hành chính là phương thức kiểm soát quyền hành pháp

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, Hiến pháp 2013 đã bổ sung quy định tại Điều 3 về kiểm soát quyền lực Nhà nước. "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Như vậy, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực giữa cơ quan Nhà nước được ghi nhận chính thức trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta hiện nay.

“Đó là sự bổ sung và hoàn thiện nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước ở Việt Nam, ở cơ chế cho việc tiếp tục tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là vấn đề cần thiết phải được nghiên cứu để thể chế hóa trong các văn bản pháp luật phù hợp bối cảnh hiện nay”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Quyền hành pháp là một bộ phận của quyền lực Nhà nước được giao cho Chính phủ nhằm tổ chức thi hành pháp luật, hoạch định và điều hành chính sách quốc gia.

Quyền hành pháp cần phải được giám sát một cách chặt chẽ bởi nó gắn liền với việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tác động sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống hằng ngày của người dân. Giám sát, đánh giá hành chính được coi là một phương thức quan trọng trong kiểm soát quyền hành pháp.

Mặt khác, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng đã đặt ra các nhiệm vụ,mục tiêu nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền hành chính hiện đại, liêm chính, dân chủ, chuyên nghiệp và phục vụ nhân dân. Giám sát, đánh giá hành chính là thước đo nhằm kiểm tra, đánh giá và chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan, của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Phó Tổng Thanh tra cũng cho rằng, triển khai thực hiện những chủ trương, định hướng này, cần thiết nghiên cứu một cách toàn diện về cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Trong đó, cần làm rõ vị trí, vai trò và các chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các thiết chế trong giám sát việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước như kiểm tra,giám sát của Đảng, của các cơ quan quyền lực Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Đồng thời cần làm rõ vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra với tính chất là một công cụ quan trọng trong quản lý, một phương thức góp phần kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp từ chính bên trong nội bộ của nền hành chính Nhà nước.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Lựa chọn những nội dung phù hợp để thực hiện giám sát

Tại hội thảo, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Quốc hội giám sát tức là theo dõi, xem xét đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Thời gian vừa qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội với việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước vẫn còn những hạn chế như: Quốc hội chưa thường xuyên xem xét báo cáo, giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói chung và pháp luật về thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước nói riêng; một số trường hợp, kiến nghị giám sát chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan vấn đề được giám sát, biện pháp xử lý và chế tài phù hợp; việc đôn đốc, giám sát thực hiện kết luận kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa quyết liệt, nên có không ít vụ việc, vấn đề bất cập chậm được giải quyết, gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Một số cơ quan Quốc hội chưa tích cực thực hiện công tác điều hòa, phối hợp nên vẫn còn tình trạng trùng lặp các đoàn giám sát đến địa phương; một số tổ chức, cá nhân có liên quan, chuyên gia có trách nhiệm chưa tham gia đầy đủ, đúng thành phần giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ...

Trên cơ sở đó, theo ông Hà, để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước cần nâng cao nhận thức của Quốc hội về mục đích, tầm quan trọng của hoạt động giám sát; quan tâm đến tính khả thi, công tác kiểm tra theo dõi, đánh giá, tổng hợp việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó cần xác định rõ phạm vi và nội dung của giám sát tối cao phù hợp với điều kiện của Quốc hội...

Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ để đánh giá, thể hiện thái độ, yêu cầu các cơ quan liên quan nâng cao trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc kiến nghị giám sát của Quốc hội; thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị giám sát của Quốc hội; có chế tài cụ thể đối với cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết kiến nghị hợp lý của Quốc hội...

Đồng quan điểm, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước cần theo hướng thiết thực, hiệu quả; lựa chọn những nội dung phù hợp để thực hiện giám sát.

Đặc biệt là tăng cường hoạt động chất vấn của Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Mặt khác, cần tăng cường thời lượng hoạt động chất vấn,đảm bảo tính giải trình và tính chịu trách nhiệm của các đối tượng bị giám sát.

Quốc hội cần giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước và chỉ đạo điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước...

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/tang-cuong-hoat-dong-chat-van-cua-quoc-hoi_t114c1160n142191