Tăng cường hoạt động dinh dưỡng lâm sàng tại Việt Nam

Hội thảo khoa học Tăng cường các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và tăng cường nguồn nhân lực dinh dưỡng tại bệnh viện vừa diễn ra với sự phối hợp tổ chức của Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế, Quỹ Ajinomoto - Tập đoàn Ajinomoto, Công ty Ajinomoto Việt Nam và Bệnh viện Quốc tế FV.

Đây là hội thảo khoa học lần 8 trong khuôn khổ dự án Phát triển Hệ thống dinh dưỡng Việt Nam (VINEP). Dự án đặt nền tảng cho sự phát triển của ngành dinh dưỡng tại Việt Nam, với nhiều hoạt động đào tạo, nghiên cứu về dinh dưỡng và cho ra đời các quy định, chính sách liên quan đến dinh dưỡng.

GS. Yasuhiro Kido chia sẻ kinh nghiệm của Nhật trong xây dựng hệ thống chuyên gia dinh dưỡng

GS. Yasuhiro Kido chia sẻ kinh nghiệm của Nhật trong xây dựng hệ thống chuyên gia dinh dưỡng

Tham dự Hội nghị có GS. Yasuhiro Kido - Giám đốc Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học, Hội Dinh dưỡng Nhật Bản, Giáo sư Dinh dưỡng lâm sàng và ứng dụng, Đại học Kanazawa Gakuin Nhật Bản; BS. Michio Inukai - Giám đốc Hội Dinh dưỡng lâm sàng và Chuyển hóa Nhật Bản, Bác sĩ bệnh viện Okayama Koseikai Nhật Bản; PGS. TS. Nguyễn Đỗ Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Dinh dưỡng và Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; BS. TS. Nguyễn Viết Quỳnh Thư - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện FV; BS. Châu Thị Kim Liên - Nguyên Trưởng khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng nhiều bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên chuyên ngành dinh dưỡng từ các trường đại học và bệnh viện tại TP HCM.

Hội nghị xoay quanh các nội dung liên quan đến hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và tăng cường nguồn nhân lực dinh dưỡng tại bệnh viện, với những chia sẻ sâu sắc, thiết thực từ những chuyên gia trong ngành đến từ Nhật Bản.

Là một trong những quốc gia đặc biệt chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng, Nhật Bản đã đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống dinh dưỡng từ rất sớm. Viện Dinh dưỡng Quốc gia được thành lập vào năm 1920 và trường đào tạo chuyên gia dinh dưỡng đầu tiên trên thế giới cũng được xây dựng và đi vào hoạt động 5 năm sau đó. Những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng hệ thống chuyên gia dinh dưỡng, phát triển giáo dục dinh dưỡng và đẩy mạnh thực hành dinh dưỡng tại bệnh viện đã được GS. Yasuhiro Kido chia sẻ tại hội thảo.

BS. Michio Inukai giới thiệu vai trò của các nhóm Hỗ trợ dinh dưỡng tại các bệnh viện Nhật Bản

Bên cạnh đó, BS. Michio Inukai cũng giới thiệu về hệ thống nhóm hỗ trợ dinh dưỡng (Nutrition Support Team - gọi tắt là NST) hoạt động tại các bệnh viện Nhật Bản. Nhóm hỗ trợ dinh dưỡng với sự tham gia của các cán bộ dinh dưỡng, bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng… sẽ đảm bảo quy trình chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân từ sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bệnh nhân đến chẩn đoán dinh dưỡng và xây dựng quy trình chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân; đánh giá quy trình chăm sóc dinh dưỡng trong suốt thời gian nằm viện, tiến hành điều chỉnh quy trình chăm sóc dinh dưỡng nếu cần thiết cũng như tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú sau khi ra viện. Không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, sự tham gia của nhóm hỗ trợ dinh dưỡng trong điều trị cùng giúp bệnh nhân giảm thiểu chi phí điều trị.

Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm và thảo luận là Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh thận mãn do BS. Châu Thị Kim Liên - Nguyên Trưởng khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày. Đây là nội dung hết sức thiết thực trong bối cảnh tỉ lệ người mắc bệnh thận mạn đang gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, với 497,5 triệu người hiện đang mắc bệnh thận mãn tính trên toàn thế giới và mỗi năm có thêm khoảng 250.000 bệnh nhân mới. Trong khi đó, vai trò của dinh dưỡng trong điều trị tại Việt Nam vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực.

BS. Châu Thị Kim Liên chia sẻ về tình trạng gia tăng của bệnh thận mãn trên thế giới

Giai đoạn dân số vàng nước ta sẽ sớm được thay thế bằng giai đoạn dân số già. Chính vì thế, sẽ không sớm để đẩy mạnh triển khai các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng nhằm phòng chống các bệnh mãn tính cũng như nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện, từ đó tăng hiệu quả điều trị đồng thời cắt giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Đây cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo ngành y tế tại Việt Nam.

Nắm bắt được tính cấp thiết của vấn đề này, Tập đoàn Ajinomoto đã nghiên cứu và phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khởi xướng Dự án Phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (VINEP). Dự án đặt nền tảng cho sự phát triển của ngành dinh dưỡng tại Việt Nam, với nhiều hoạt động đào tạo, nghiên cứu về dinh dưỡng và cho ra đời các quy định, chính sách liên quan đến dinh dưỡng. Cụ thể, từ năm 2013, Dự án phối hợp cùng trường Đại học Y Hà Nội xây dựng ngành Cử nhân Dinh dưỡng - mô hình đào tạo cán bộ dinh dưỡng trình độ đại học tại Việt Nam và tuyển sinh khóa học đầu tiên. Tới nay, đã có 8 trường đại học trên toàn quốc đang triển khai các chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng. Đồng thời, Dự án cũng hỗ trợ chuyên môn trong xây dựng hệ thống quy định liên quan đến dinh dưỡng mà bước đầu là Thông tư liên tịch quy định Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng đã được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành vào năm 2015. Qua đó, chính thức nhìn nhận dinh dưỡng như một nghề trong hệ thống ngành nghề y tế.

Cùng với sự tiến bộ của xã hôi, việc triển khai các hoạt động đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực dinh dưỡng trở nên vô cùng quan trọng khi sự quan tâm của người dân đối với sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý đang ngày càng tăng cao. Dự án VINEP được khởi xướng và phát triển tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hệ thống dinh dưỡng Việt Nam, góp phần to lớn trong việc giảm bớt gánh nặng về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của chính phủ trong tương lai.

Hoàng Vũ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/tang-cuong-hoat-dong-dinh-duong-lam-sang-tai-viet-nam-20181130093100109.htm