Tăng cường hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và các nước

TCCSĐT - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Quảng Ngãi, Phú Yên và hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam và Italy tham gia hội thảo với chủ đề 'Cơ hội hợp tác kinh tế giữa vùng Lombardy và các tỉnh, thành của Việt Nam' đã diễn ra tại thành phố Milan, Italy. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy, do chính quyền vùng Lombardy, Italy, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Liên đoàn Giới chủ công nghiệp vùng Lombardy tổ chức.

Ảnh minh họa.

Hợp tác các doanh nghiệp địa phương Việt Nam và Italy

Ngày 29-6, hội thảo với chủ đề “Cơ hội hợp tác kinh tế giữa vùng Lombardy và các tỉnh, thành của Việt Nam” đã diễn ra tại thành phố Milan, Italy. Tham dự hội thảo có đại diện chính quyền vùng Lombardy, ông Fabio Altitonante, Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Quảng Ngãi, Phú Yên và hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam và Italy. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy, do chính quyền vùng Lombardy, Italy, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Liên đoàn Giới chủ công nghiệp vùng Lombardy tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Altitonante nêu rõ Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp của vùng Lombardy. Với lợi thế nắm giữ khoa học - công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, chính quyền vùng Lombardy luôn chú trọng thúc đẩy, hỗ trợ quốc tế hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp tới các thị trường tiềm năng như Việt Nam. Đây cũng là một mục tiêu phát triển quan trọng của các doanh nghiệp địa phương.

Về phía Việt Nam, Đại sứ Cao Chính Thiện khẳng định hội thảo là là sự kiện quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động cụ thể mà Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai trong năm 2018 nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italy trong những năm qua có những bước phát triển hết sức tích cực, song vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị song phương tốt đẹp cũng như tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Đại sứ Cao Chính Thiện nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu đang tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cùng với chính sách của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy và mở rộng quan hệ với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước có quan hệ đối tác chiến lược như Italy, hiện là thời điểm phù hợp để các địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư Italy và Việt Nam tìm hiểu về cơ hội hợp tác và nắm bắt thông tin về thị trường của nhau, nhất là trên những lĩnh vực mà hai nước có nhu cầu hợp tác như hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghiệp, xử lý rác thải…”.

Tại hội thảo, đại diện chính quyền các tỉnh, thành phố Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo đã giới thiệu đến các doanh nghiệp Italy tiềm năng phát triển của địa phương và doanh nghiệp trên các lĩnh vực thế mạnh của Italy, đồng thời nhấn mạnh các ưu đãi về chính sách thu hút đầu tư của các địa phương đối với các doanh nghiệp Italy. Các doanh nghiệp Italy cũng trình bày tại hội thảo các hoạt động sản xuất kinh doanh thế mạnh của mình và nhu cầu hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, nhất là dịch vụ hậu cần Logictic, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Italy khi đầu tư vào Việt Nam. Với dân số trẻ, nhân công được đào tạo và có giá thành thấp, đặc biệt tốc độ tăng trưởng nhanh của giai cấp trung lưu và thượng lưu, Việt Nam là một điểm hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại Italy. Việt Nam có vị trí chiến lược trong khu vực châu Á và ASEAN, là quốc gia có nhiều FTA nhất châu Á, đặc biệt EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Italy.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại diện đoàn lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo, đã cảm ơn chính quyền vùng Lombardy, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức sự kiện, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương hai nước tìm hiểu về nhu cầu và khả năng hợp tác, đầu tư, thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam và Italy. Nhấn mạnh Italy là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khu vực ASEAN, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ tin tưởng rằng sau khi EVFTA có hiệu lực, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Những thế mạnh của vùng Lombardy hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương tại Việt Nam. Với những điều kiện thuận lợi của thị trường Việt Nam, đặc biệt là môi trường chính trị, an ninh ổn định, đất nước đang trên đường hội nhập, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Italy. Thành phố Hà Nội và các địa phương cũng đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư phù hợp với các thông lệ quốc tế, đẩy mạnh cải cách hành chính với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu hướng đến. Hà Nội và các tỉnh, thành của Việt Nam mong muốn hợp tác với vùng Lombardy trên các lĩnh vực là thế mạnh của vùng như du lịch, công nghiệp chế biến thực phẩm, xây dựng, công nghệ dược phẩm, năng lượng tái tạo, bảo tồn, phục chế các di sản … và đặc biệt là xây dựng thành phố thông minh.

Lombardy là vùng kinh tế trọng điểm của Italy với khoảng 300.000 doanh nghiệp và có giá trị xuất khẩu chiếm chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp vùng Lombardy có thế mạnh về các lĩnh vực cơ khí chế tạo, dệt may, tự động hóa thời trang, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo … Với xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp là quốc tế hóa để bắt kịp trào lưu của thế giới, việc hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, đầu tư ổn định tại các thị trường tiềm năng như Việt Nam là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp Italy.

Kết thúc hội thảo, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố của Việt Nam đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận Hợp tác thúc đẩy kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Italy giữa Cục Ngoại vụ địa phương, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam.

Kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp Việt Nam và Lào

Chiều 29-6 tại thủ đô Viêng Chăn, trong khuôn khổ tham dự Hội chợ thương mại Lào - Việt 2018, Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam đã phối hợp Hội nữ Doanh nhân thủ đô Viêng Chăn tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thủ đô Viêng Chăn.

Tham dự hội nghị có các đại diện đến từ Đại diện Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam, Hội nữ Doanh nhân thủ đô Viêng Chăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Viêng Chăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, lãnh đạo thủ đô Viêng Chăn cùng đại diện của gần 100 doanh nghiệp kinh doanh ở nhiều lĩnh vực của hai nước...

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Mai Thị Thùy, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết đây là lần thứ 5 Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam tham gia Hội chợ thương mại Việt - Lào và tổ chức các hội nghị giao thương, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước. Trong 4 lần tham gia Hội chợ trước đó, đã có khoảng 40% các doanh nghiệp tham gia triển lãm tại Lào tìm được đối tác hoặc nhận được các đơn đặt hàng của đối tác Lào, trong đó chủ yếu là các chủng loại hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam. Dựa trên kết quả khả quan của các chuyến đi trước và nhận thấy nhu cầu hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam tại Lào ngày một cao, Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam quyết định tham gia Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào 2018 với mục đích tìm hiểu thêm thông tin về thị trường, hợp tác với các doanh nghiệp Lào để đặt đại lý phân phối hàng hóa Việt Nam tại thị trường Lào...

Bà Mai Thị Thùy đề nghị các doanh nghiệp hai nước thẳng thắn trao đổi thông tin về doanh nghiệp của mình, những hàng hóa có nhu cầu mua và bán, đề xuất các phương thức hợp tác phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp mỗi nước nhằm đi đến ký kết hợp tác kinh doanh càng nhiều càng tốt, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp hai nước nói riêng và thắt chặt quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung.

Tại hội nghị, hàng chục doanh nghiệp hai nước đã đăng đàn giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của công ty, các sản phẩm mà công ty cần mua, bán; nêu rõ nhu cầu tìm đối tác để phân phối hàng hóa hoặc cùng phối hợp sản xuất, cũng như nhu cầu hợp tác.

Kết quả, ngay sau Hội nghị giao thương đã diễn ra lễ ký kết 6 thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực hợp tác như phân phối các mặt hàng tiêu dùng, hợp tác kinh doanh du lịch, khách sạn và dịch vụ...

Diễn đàn thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ

Ngày 29-6, Diễn đàn thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đã diễn ra tại thành phố Zurich (Thụy Sĩ).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Trần Thanh Nam, chủ trì diễn đàn. Chủ tịch Ủy ban Việt Nam, Phòng Thương mại Thụy Sĩ - châu Á, ông Marc Townsend, là khách mời chính của diễn đàn. Sự kiện thu hút đại diện của nhiều doanh nghiệp tại Thụy Sĩ, trong đó có các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Nestle, chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm, Tetra Pak, doanh nghiệp về giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thụy Sĩ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản cũng có mặt tại sự kiện, trong đó có Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống xanh T&T.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trần Thanh Nam cho biết, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có độ mở cửa nền kinh tế rất cao, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực và thế giới thời gian qua. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị, phát triển theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên cao cho lĩnh vực chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp.

Các doanh nghiệp Thụy Sĩ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó có Nestlé, Tetra Pak, Bucher, Buhler, Syngenta, luôn là những doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị, góp phần xây dựng tốt tên tuổi và hình ảnh cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên, đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (VEFTA). Sau khi được ký kết và đi vào thực hiện, hiệp định này sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp hai bên tận dụng thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, thông qua diễn đàn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Thụy Sĩ tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Diễn đàn cũng là nơi để doanh nghiệp hai nước tìm được những cơ hội hợp tác giao thương, vì mục tiêu cùng có lợi.

Phát biểu tại diễn đàn với tư cách khách mời chính, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam, Phòng Thương mại Thụy Sĩ - châu Á, ông Marc Townsend, khẳng định doanh nghiệp Thụy Sĩ có kinh nghiệm làm ăn lâu dài với nông dân Việt Nam với ví dụ điển hình là tập đoàn Nestle, chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm, từng hiện diện tại Việt Nam từ năm 1912. Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất gạo, hạt tiêu, hạt điều và hoa quả nhiệt đới. Ông Townsend cũng cho biết các doanh nghiệp Thụy Sĩ muốn đầu tư vào Việt Nam đang xem xét khả năng mang các sáng chế, sáng kiến của Thụy Sĩ vào Việt Nam như thế nào, chẳng hạn các công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần tăng cường sức khỏe cho người dân nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng. Một số doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng muốn mang tới Việt Nam các kỹ thuật canh tác thông minh từng được ứng dụng thành công tại một số nơi ở châu Á như Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng tìm kiếm cơ hội đưa các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Nhấn mạnh môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn, ông Marc Townsend cho rằng các doanh nghiệp Thụy Sĩ muốn mở rộng cơ hội đầu tư tại Việt Nam cần kiên trì, tìm đúng đối tác, học hỏi về thị hiếu thị trường địa phương, nhu cầu của người Việt Nam, và phải có hiểu biết về văn hóa địa phương cũng như cách làm việc với người Việt Nam. Thực hiện được những điều này, ông Towsend khẳng định, các nhà đầu tư sẽ có được doanh thu tốt, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giới thiệu với các doanh nghiệp Thụy Sĩ về cơ hội kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Khẳng định nông nghiệp là tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới và các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có mặt tại 180 quốc gia. Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, bao gồm thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cà phê, rau quả, gạo, hạt tiêu, cao su, sắn. Đối với thị trường Thụy Sĩ, Việt Nam đã xuất khẩu hàng thủy sản, cà phê, gỗ và các sản phẩm gỗ. Đại diện Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng giới thiệu các chính sách thu hút, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cuối cùng, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng áp dụng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ sang Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc nông nghiệp, công nghệ chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện diện tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ đã giới thiệu và trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác. Bên lề diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước cũng trao đổi, dùng thử các sản phẩm nông sản và đồ uống nổi tiếng của Việt Nam./.

Thanh Hòa tổng hợp

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/doi-ngoai-va-hoi-nhap/2018/51391/tang-cuong-hop-tac-doanh-nghiep-viet-nam-va-cac-nuoc.aspx