Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân

Làm tốt nhiệm vụ xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) đã góp phần tăng cường khả năng TCPL của người dân, từ đó hình thành nếp sống văn minh, thượng tôn pháp luật, hạn chế nhiều mâu thuẫn, vướng mắc, kiến nghị từ cơ sở.

Người dân xã Hải Sơn (TP Móng Cái) tham gia buổi tuyên truyền, tư vấn lưu động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, tháng 10/2019. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Người dân xã Hải Sơn (TP Móng Cái) tham gia buổi tuyên truyền, tư vấn lưu động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, tháng 10/2019. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Những năm qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật tới từng khu dân cư đã được cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, trở thành nhiệm vụ thường xuyên.

Trong đó, phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai tốt ngay từ các khâu khảo sát, đánh giá nhu cầu về pháp luật của người dân từng khu dân cư. Từ đó tiến hành xây dựng, phối hợp triển khai chương trình tuyên truyền hiệu quả từng năm.

Tùy theo điều kiện, nhu cầu của người dân mỗi vùng thành thị, nông thôn, miền núi, ven biển... mà có hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả nhất, như: Hội nghị tập huấn, hỗ trợ pháp lý; phát miễn phí tài liệu pháp luật; sân khấu hóa tìm hiểu pháp luật; tiếp công dân kết hợp trao đổi, đối thoại, giải đáp vướng mắc; thành lập các CLB pháp luật; xây dựng mô hình tủ sách pháp luật...

Các panô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền trực quan được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, đặc biệt vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn.

Người dân xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả) tham dự hội nghị lưu động do Phòng Tư pháp thành phố tổ chức, tuyên truyền về Luật Thủy sản, tháng 8/2019.

Bên cạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục các kiến thức pháp luật tới người dân, nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL còn bao gồm các tiêu chí khác, như: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở... theo Quyết định số 619/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/5/2017.

Đây là những tiêu chí bao quát nhiều lĩnh vực, do đó muốn đạt mục tiêu được công nhận là một xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL thì cần có sự quyết tâm cao độ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thực tế, việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ, đảm bảo tạo điều kiện cho người dân TCPL đã và đang được các địa phương chú trọng; gắn liền với các nhiệm vụ khác như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững...

Ông Lưu Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà), chia sẻ: Vấn đề cần quan tâm không chỉ là những tiêu chí, chỉ tiêu và việc thực hiện chúng một cách máy móc, thậm chí là chạy theo thành tích.

Điều quan trọng vẫn là cách làm của chính quyền cấp xã để việc xây dựng địa phương mình đạt chuẩn TCPL trở nên thiết thực, hỗ trợ cho chính cơ sở trong quản lý hành chính, quản lý dân cư ở địa bàn. Do đó, hằng năm, xã Đầm Hà đều xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về công tác này, đưa vào chỉ tiêu thi đua, xếp loại của cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức.

Cán bộ xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, cung cấp các quy định về phòng chống dịch Covid-19 cho người dân địa phương.

Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp (Thông tư số 07/2017/TT-BTP). Trong đó bao gồm: Tăng cường quản lý cán bộ, công chức cấp xã không để xảy ra vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng cán bộ, công chức tư pháp.

Đồng thời đảm bảo các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả; tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở...

Năm 2019 toàn tỉnh có 183/186 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL. Thời gian tới, không chỉ các địa phương chưa hoàn thành, mà cả những địa phương đã đạt chuẩn cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần quan tâm triển khai thường xuyên, hiệu quả hơn nữa. Bởi kết quả thực hiện các tiêu chí đánh giá sẽ luôn có sự biến động, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật từ cơ sở.

Để được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, mỗi xã, phường, thị trấn phải đạt 4 điều kiện:
- Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; - Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; - Tổng số điểm của các tiêu chí phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; - Trong năm không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/tang-cuong-kha-nang-tiep-can-phap-luat-cua-nguoi-dan-2482049/