Tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường kiểm soát giết mổ (KSGM), kiểm dịch động vật (KDĐV). Qua đó, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP), ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh

Nỗ lực thực hiện

Long An được đánh giá là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển ở mức trung bình khá và tổng đàn gia súc (GS), gia cầm (GC) được duy trì ở mức tương đối ổn định. Với tổng đàn heo khoảng 120.000 con; trâu 6.000 con; bò 118.000 con và GC khoảng 7,6 triệu con. Đặc biệt, tỉnh tiếp giáp TP.HCM, gần 2 chợ đầu mối lớn nhất là Bình Điền và Hóc Môn của TP.HCM. Từ Long An, các thương lái dễ dàng vận chuyển, điều tiết nhanh chóng lượng sản phẩm động vật theo nhu cầu thị trường.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở thu gom động vật và 48 cơ sở CSGM. Trong đó, có 36 CSGM tập trung và 12 CSGM nhỏ, lẻ. Công suất giết mổ trung bình toàn tỉnh 1 ngày, đêm khoảng trên 230 con trâu, bò; 4.000 con heo; 70.000 GC. Trên 85% sản phẩm động vật sau giết mổ được vận chuyển ra ngoài tỉnh, chủ yếu là TP.HCM.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác KSGM và thẩm định, đánh giá về điều kiện vệ sinh thú y, ATTP trên địa bàn tỉnh được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện theo quy định. Hiện tại, trên 95% GS, 90% GC giết mổ trên địa bàn tỉnh được KSGM; qua đó, cơ bản kiểm soát được việc cung cấp sản phẩm động vật đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh trên GS, GC cơ bản được kiểm soát tốt. Đơn vị đã triển khai các kế hoạch của ngành ngay từ đầu năm 2023 về công tác tiêm phòng vắc-xin; quản lý đàn, KSGM, KDĐV và vận chuyển sản phẩm động vật.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành đã tiến hành kiểm tra Salbutamol (chất tăng trọng, tạo nạc) trên 89 GS tại 24 CSGM trong tỉnh; kết quả chưa phát hiện mẫu dương tính với Salbutamol. Bên cạnh đó, ngành cũng thanh, kiểm tra 151 CSGM, điểm thu gom trung chuyển động vật, quầy sạp kinh doanh mua bán sản phẩm động vật và xử lý 10 trường hợp vi phạm. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, tỉnh vẫn duy trì việc phối hợp thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc của TP.HCM trên phần mềm Te-food áp dụng cho sản phẩm thịt heo và trứng GC chuyển về TP.HCM.

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, công tác triển khai xây dựng CSGM tập trung, quản lý hoạt động giết mổ động vật ở một số huyện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đôi khi địa phương chưa hiểu rõ trách nhiệm quản lý của mình và còn trông chờ vào cơ quan thú y. Song song đó, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số điểm giết mổ lậu, tiềm ẩn mối nguy rất lớn phát sinh và lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này rất cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương, đặc biệt là các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có trên 70 điểm giết mổ nhỏ, lẻ, không giấy phép với số lượng giết mổ bình quân hàng ngày khoảng 12 con trâu, bò; 110 con heo; 3 con dê; 1.200 con gà, vịt và 2.000 con chim cút. Đồng thời, tỉnh có đường biên giới dài gần 135km và tiếp giáp thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM, nên áp lực thực hiện các hoạt động quản lý KDĐV, KSGM trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Cùng với đó, sự dịch chuyển mang tính không ổn định của một số thương lái từ TP.HCM về Long An làm tăng đột biến số lượng GS giết mổ, gây nên sự quá tải đối với các cơ sở giết mổ, sự phức tạp do cạnh tranh thương mại làm ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động giết mổ nói chung và tạo áp lực lớn cho công tác KSGM nói riêng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, mặc dù hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh và huyện sớm được củng cố, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số người làm việc vẫn còn thiếu so với đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Do đó, công tác KSGM không đủ nhân sự để bố trí tương xứng với công suất giết mổ tại cơ sở.

Với đặc thù công tác KSGM gắn liền với cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh, số lượng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sau giết mổ khoảng 400-450 giấy/ngày; trong khi về cơ bản, tỉnh vẫn đang cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, cập nhật và quản lý số liệu bằng hình thức thủ công. Do đó, ở một số CSGM, cán bộ thú y đã thiếu người lại phải dành phần lớn thời gian để viết giấy kiểm dịch, ít thời gian cho công tác nghiệp vụ chuyên môn nên đôi lúc sai sót trong thực hiện quy trình chuyên môn.

“Khó khăn nhất hiện nay là tình trạng giết mổ lậu vẫn còn phổ biến, nhất là khi giá heo hơi giảm mạnh thời gian qua, nhiều người chăn nuôi đã tự giết mổ và đem bán ở lề đường. Do vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động này, yêu cầu những hộ dân phải đem động vật vào cơ sở giết mổ tập trung, có sự kiểm soát của thú y trước khi đem thịt ra bán ngoài thị trường để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Về phía người tiêu dùng, ngành khuyến cáo nên chọn mua thịt GS, GC tại những nơi uy tín và sản phẩm có dấu kiểm dịch theo quy định của cơ quan chức năng để tránh tiêu thụ phải thực phẩm không bảo đảm an toàn” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tang-cuong-kiem-soat-giet-mo-gia-suc-gia-cam-a160165.html