Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thừa phát lại

Sau gần ba năm triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL) trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26-11-2015 của Quốc hội cho thấy, hoạt động TPL đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của người dân cũng như hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của các văn phòng TPL đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được chấn chỉnh.

Qua ghi nhận tại một số Văn phòng TPL trên địa bàn thành phố như TPL quận 8, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp… nội dung TPL thực hiện lập vi bằng hầu hết là việc giao và nhận tiền của khách hàng. Thống kê của Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp thành phố): 95% số vi bằng được các TPL lập đều là ghi nhận việc giao nhận tiền mua bán nhà đất trong khi thẩm quyền và nội dung các TPL được lập vi bằng rất rộng. Ông Nguyễn Thành Băng, Phó Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp cho biết: Từ cuối năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở tăng cường tổ chức thanh tra hoạt động của các văn phòng TPL trên địa bàn thành phố. Kết quả ban đầu đã phát hiện một số văn phòng TPL vi phạm quy định của pháp luật khi lập vi bằng cho nên đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động.

Đơn cử như, Văn phòng TPL quận Gò Vấp do quản lý không chặt chẽ, dẫn đến việc TPL của văn phòng đã có vi phạm về trình tự, thủ tục trong việc lập 85 vi bằng liên quan bà Nguyễn Thị Giang tặng cho quyền sử dụng đất tại phường Hiệp Thành, quận 12. TPL không có sự giải thích rõ ràng, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng, gây ngộ nhận vi bằng của TPL với văn bản công chứng, chứng thực; khi thu chi phí lập 85 vi bằng liên quan bà Nguyễn Thị Giang theo Hợp đồng dịch vụ đã lập chứng từ kế toán không đúng theo nghiệp vụ kinh tế phát sinh và kê khai thuế không đầy đủ… Hay TPL Nguyễn Đức Thịnh có vi phạm về trình tự, thủ tục trong việc lập 78 vi bằng cũng liên quan bà Nguyễn Thị Giang, trong đó kết quả xác minh đối với việc lập hai vi bằng liên quan bà Nguyễn Thị Giang, bà Nguyễn Thị Tươi, bà Phạm Thị Lan là không trực tiếp chứng kiến sự kiện mà đã lập vi bằng; không có sự giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng, gây ngộ nhận vi bằng của TPL với văn bản công chứng, chứng thực...

Đối với vi phạm của văn phòng TPL Gò Vấp, sau thời gian bị đình chỉ hoạt động (kể từ tháng 12-2017), mới đây văn phòng này đã được hoạt động trở lại. Riêng TPL Nguyễn Đức Thịnh, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Tư pháp miễn nhiệm TPL Nguyễn Đức Thịnh theo quy định hiện hành và đã được chấp thuận. Tháng 9-2018, Sở Tư pháp cũng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Văn phòng TPL huyện Hóc Môn ba tháng vì TPL của văn phòng này không giải thích đầy đủ giá trị pháp lý trong quá tình tham gia lập vi bằng và không trực tiếp chứng kiến sự kiện mà đã lập ba vi bằng.

Ông Nguyễn Thành Băng cho biết thêm, qua kiểm tra còn phát hiện các văn phòng TPL có dấu hiệu chạy theo số lượng để tăng doanh thu mà chưa chú trọng đến hiệu quả của vi bằng. Để xử lý vấn đề này, Sở Tư pháp thành phố đã có cuộc họp khẩn với các văn phòng TPL trên địa bàn thành phố nghiêm cấm tất cả các văn phòng TPL cố tình lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, quy định các văn phòng TPL không được lập vi bằng xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm chuyển quyền sử dụng và quyền sở hữu cho người khác. Ông Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng văn phòng TPL quận Thủ Đức, chia sẻ: Dù trải qua thời gian hơn 5 năm đi vào hoạt động (kể cả thời gian thí điểm) nhưng TPL vẫn còn là chế định khá mới mẻ cho nên người dân chưa hiểu hết thẩm quyền và hiệu quả của TPL. Nếu các TPL thực hiện đúng quy định pháp luật và giải thích cặn kẽ giá trị của vi bằng cho người dân thì hiệu quả về bổ trợ tư pháp là rất lớn. Theo quy định, TPL thực hiện bốn nhiệm vụ chính gồm: tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt văn bản cho tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập vi bằng.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Phan Thị Bình Thuận đánh giá: Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở phát hiện một số vi bằng đã được đăng ký tại Sở Tư pháp nhưng TPL lập không đúng theo quy định của pháp luật (sự kiện, hành vi lập vi bằng không đúng; TPL không trực tiếp chứng kiến sự kiện, hành vi lập vi bằng…). Do đó, Sở Tư pháp phải thực hiện việc hủy kết quả đăng ký vi bằng của TPL trong khi pháp luật hiện hành không quy định trình tự, thủ tục, cơ sở thực hiện hủy kết quả đăng ký vi bằng. Trước vướng mắc này cũng như những chế định pháp lý về TPL chưa hoàn thiện, Sở Tư pháp đã kiến nghị Bộ Tư pháp sớm kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của TPL; sửa đổi bổ sung Nghị định số 110 của Chính phủ để có quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực TPL. Cùng với đó, Sở Tư pháp thành phố sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền về hoạt động và thẩm quyền của TPL bằng nhiều hình thức sinh động đến quần chúng nhân dân giúp mọi người hiểu rõ, qua đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37857802-tang-cuong-kiem-tra-chan-chinh-hoat-dong-thua-phat-lai.html