Tăng cường kiểm tra đồ chơi nhập lậu

Điểm nổi bật nhất trong mùa Trung thu năm nay là người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ưa chuộng đồ chơi truyền thống hơn đồ chơi nước ngoài, khẳng định bản sắc văn hóa người Việt. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng bán đồ chơi vẫn xuất hiện nhiều đồ chơi nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm với hàng hóa không bảo đảm chất lượng, nhập lậu... từng bước đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt, góp phần giúp nâng cao chất lượng, thương hiệu đồ chơi nội.

Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông).

Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông).

Hàng nội lên ngôi

Khảo sát tại các tuyến phố chuyên bán đồ chơi thu hút trẻ em hiện nay như: Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược, Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm), các cửa hàng bán đồ chơi trên địa bàn các quận: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Ba Đình... đồ chơi truyền thống đã được bày bán rất nhiều. Ghi nhận chiều 5-9 tại phố Hàng Mã, rất đông người đổ về đây để tham quan, chụp ảnh và mua sắm. Bà Lê Thị Quý, một tiểu thương ở phố Hàng Mã cho biết, do nhu cầu mua đồ chơi truyền thống tăng nên giá cũng tăng 10-20% so với năm trước.

Tại một cửa hàng bán đồ chơi tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình), người bán bày đèn ông sao, mặt nạ hình ông địa, chú hề, chú tễu... làm bằng giấy bồi, đèn lồng phát sáng ở vị trí dễ nhìn nhất và được chào bán rất nhiệt tình với giá 30.000-70.000 đồng.

Hay khảo sát tại các nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Tiến Thọ... trên địa bàn quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, tối 5-9 có khá đông khách hàng nhí đến tìm mua đèn lồng hình thú có gắn loa hoặc đèn led. Đèn ông sao là một sản phẩm không thể thiếu trên tay mỗi đứa trẻ sau khi ra về. Chị Nguyễn Thùy Linh, đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) cho biết, cách 2 ngày/lần chị cho con gái 4 tuổi đến hiệu sách Tiến Thọ để mua đồ chơi trung thu hoặc ngắm những màu sắc rực rỡ của đèn lồng, mặt nạ... - những đồ chơi mà tuổi thơ của chị luôn gắn bó. Đây là những trải nghiệm sống rất bổ ích cho con chị khi được tiếp cận những sản phẩm truyền thống đậm văn hóa của người Việt.

Tại phố Hàng Mã chiều 5-9, hình ảnh chiếc đèn ông sao to như bánh xe ô tô được một khách hàng mua đã gây tò mò và thích thú cho người đi đường. Khi được hỏi, anh Đỗ Văn Lâm - khách hàng mua chiếc đèn ông sao, cũng là chủ một quán cà phê trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho biết, giới trẻ giờ có xu hướng tập trung ăn uống tại các nhà hàng, quán cà phê dịp Tết Trung thu nên các cửa hàng trang trí thật rực rỡ để thu hút khách. Mà đèn ông sao, đèn lồng của Việt Nam chính là điểm nhấn lý tưởng.

Trẻ em thích thú với đồ chơi trung thu truyền thống tại phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nguyễn Quang

Tiếp tục kiểm tra đồ chơi không rõ nguồn gốc

Mặc dù nhiều người tiêu dùng ưa chuộng đồ chơi truyền thống, nhưng vẫn còn một bộ phận giới trẻ có nhu cầu mua đồ chơi nhập khẩu, bạo lực... Em Nguyễn Quốc Việt, học sinh lớp 9 ở quận Hoàn Kiếm cho biết, nhóm bạn của em buổi tối cuối tuần mua đồ chơi súng nhựa với mức tiền hơn 100.000 đồng/súng để chơi đùa. Việc mua súng nhựa khá dễ dàng.

Bất chấp những cảnh báo về tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, một cửa hàng trên phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) vẫn công khai bán đồ chơi bạo lực hình súng, dao, kiếm khi có khách hỏi mua. Dù các mặt hàng này năm nay có giá cao hơn 10-30% so với mọi năm nhưng vẫn nhiều khách tìm mua.

Trước thực tế này, để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, trước và trong dịp Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, đơn vị tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em... ngăn chặn các sản phẩm đồ chơi độc hại, kích động bạo lực nhập lậu. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, Cục đã kiểm tra, xử lý 29 vụ, phạt hành chính 167 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 400 triệu đồng. Lực lượng đã tịch thu, tạm giữ 7.804 đồ chơi trẻ em vi phạm quy định về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng nhận hợp quy. Cục sẽ công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để cảnh báo cho người tiêu dùng.

Được biết, trong tháng 8 vừa qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội đã thu giữ hàng nghìn đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mong rằng các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, góp phần đẩy lùi nạn kinh doanh đồ chơi nhập lậu, gây hại cho người tiêu dùng, đồng thời giúp đồ chơi trong nước khẳng định chỗ đứng, nâng cao hơn chất lượng, thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1041455/tang-cuong-kiem-tra-do-choi-nhap-lau