Tăng cường mối quan hệ với nhà đầu tư

Trong 2 ngày 7 và 8-12, tại Hà Nội, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các văn kiện quan trọng, báo cáo Quốc hội phê duyệt định hướng phát triển KT-XH, quản lý tài khóa, nợ công, đầu tư công… cho giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính phối hợp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chuyên gia quốc tế tổ chức hội thảo chuyên đề về 'Tăng cường mối quan hệ với nhà đầu tư'.

Trong 2 ngày 7 và 8-12, tại Hà Nội, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các văn kiện quan trọng, báo cáo Quốc hội phê duyệt định hướng phát triển KT-XH, quản lý tài khóa, nợ công, đầu tư công… cho giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính phối hợp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chuyên gia quốc tế tổ chức hội thảo chuyên đề về “Tăng cường mối quan hệ với nhà đầu tư”.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, vai trò, vị thế của Việt Nam ở cửa ngõ của giai đoạn 2021-2025 có nhiều biến chuyển tích cực. Việt Nam tốt nghiệp ODA, gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình là dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều khả năng mới để quản lý nợ chủ động, hiệu quả. Để bù vào phần vốn ODA đang thu hẹp dần, Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường vốn thương mại rộng lớn, cho phép chủ động, linh hoạt hơn về huy động và sử dụng vốn, chi phí vay dự kiến cũng sẽ phù hợp hơn khi Việt nam vươn lên về phát triển kinh tế.

Cùng với đó, việc tiếp cận với thị trường vốn hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế đòi hỏi phải trang bị các kỹ năng, kiến thức phù hợp, bảo đảm huy động được nguồn vốn với chi phí và rủi ro hợp lý trong khuôn khổ các kế hoạch, chỉ tiêu an toàn được phê duyệt.

Việc tăng cường tiếp xúc và duy trì mối liên hệ với nhà đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm chuyển tải kịp thời, chuẩn xác các thông tin vĩ mô, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quyết sách của Chính phủ đến với cộng đồng nhà đầu tư. Thiếu thông tin hoặc thông tin không chuẩn xác có thể làm nhà đầu tư, các bên cho vay hiểu biết sai lệch, dẫn tới đánh giá tiêu cực về mức rủi ro khi cho vay, đầu tư, thậm chí có thể dẫn tới việc rút vốn hàng loạt khỏi quốc gia đó.

Tại diễn đàn này, IMF đã đưa ra quan điểm về mục tiêu và nguyên tắc của quan hệ nhà đầu tư. Theo đó, việc minh bạch các thông tin dữ liệu và quyết định; khả năng tiếp cận với chính phủ để làm rõ thêm các thông tin công khai; khả năng dự đoán được mức độ công khai thông tin và hành vi nhất quán của Chính phủ, tính chính xác của thông tin dữ liệu với sự hỗ trợ của quy trình và thủ tục để bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia IMF đã đưa ra các hình thức của quan hệ nhà đầu tư, như trang web quản lý nợ; thuyết trình với nhà đầu tư; tham vấn thị trường; quảng bá và điện đàm; hội thảo và hội nghị…, đặc biệt là về thiết lập thể chế để thực hiện chức năng quan hệ nhà đầu tư.

Cùng với các chuyên gia IMF, các cơ quan, bộ ngành đã đưa ra ý kiến về thực tiễn triển khai mối quan hệ với nhà đầu tư hiện nay, quy trình phối hợp giữa các cơ quan và các quy định về công khai báo cáo, số liệu.

Bộ Tài chính cũng cho biết, mục tiêu của chuỗi hoạt động hợp tác với IMF là hướng đến là các cơ quan sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ nắm vững về nghiệp vụ và thông lệ của thị trường vốn quốc tế, chủ động trong việc tiếp cận thị trường và có thể tiến hành các giao dịch ngay vào các thời điểm thuận lợi nhất. Đồng thời, bên cạnh nhiệm vụ huy động vốn quốc tế, công tác liên hệ, tiếp xúc, cung cấp thông tin với nhà đầu tư… phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín quốc gia tới bạn bè quốc tế.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/tang-cuong-moi-quan-he-voi-nha-dau-tu-627340/