Tăng cường mua điện Trung Quốc: Không căn cơ

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điều quan trọng là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện đang chậm tiến độ.

Báo cáo tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công thương đề cập đến giải pháp tăng cường nhập khẩu điện, nhất là từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ Công thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với Công ty Lưới điện Phương Nam (CSG) của Trung Quốc để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 220 kV hiện hữu và phối hợp CSG đầu tư hệ thống Back To Back để tăng mua điện từ năm 2022 mà không phải thực hiện tách lưới;

Nghiên cứu mua điện qua cấp điện áp 550 kV để có thể mua từ năm 2025 và chấp thuận chủ trương tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Hai bên đàm phán, thống nhất về phương án nhập khẩu và các điều khoản thương mại, giá điện trong từng giai đoạn.

Trước phương án tăng cường nhập khẩu điện, nhất là từ Trung Quốc mà Bộ Công thương dự tính, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc mua điện từ Trung Quốc là cần thiết.

Miền Nam có nguy cơ thiếu điện, nhưng để tải 4.000-5.000 MW vào thì không thể được vì hiện nay mạch 1 chỉ tải được khoảng 2.000-2.500 MW, lúc căng nhất là 3.000 MW, mạch 3 hiệu quả hơn thì đang làm, mạch 2 thì dựa trên mạch 1 là chính.

Thay vì mua điện, cần đầu tư, đẩy mạnh các dự án điện trong nước.

Thay vì mua điện, cần đầu tư, đẩy mạnh các dự án điện trong nước.

"Vấn đề là một loạt dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam bị chậm tiến độ đưa vào vận hành. Vì thế, phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc để cung cấp một phần cho miền Bắc, còn điện sản xuất ở miền Bắc thì tập trung đẩy vào miền Nam, khắc phục phần nào tình trạng thiếu điện của miền Nam", ông Trần Viết Ngãi cho biết.

Dù vậy, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, việc nhập khẩu điện, nhất là từ Trung Quốc, không phải là giải pháp căn cơ. Điều quan trọng cần làm là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện trong miền Nam.

"Việt Nam nhập khẩu điện cũng không thể quá được vài ngàn MW được. Hiện nay chúng ta chưa xây dựng đường dây 500 kV, mới có đường dây 220 KV, mà đường dây 220 kV cũng chỉ tải được khoảng 1.000 MW.

Chính vì thế phải xây dựng đường dây 500 kV, nhưng như vậy rất tốn kém và để năm 2025 đi vào hoạt động như dự kiến thì phải làm từ bây giờ mới kịp", ông Ngãi nói.

Ông cũng cho rằng việc dự báo tỷ lệ điện nhập khẩu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa phù hợp với thực tế.

Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, trong đó thủy điện lớn và thủy điện tích năng chiếm khoảng 30,1%; nhiệt điện than và khí khoảng 57,6%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo khoảng 9,9%; nhập khẩu điện khoảng 2,4%.

Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 96.500 MW trong đó thủy điện lớn và thủy điện tích năng chiếm 21,1%; nhiệt điện than và khí 64,9%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 12,5%; nhập khẩu điện khoảng 1,5%.

Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 129.500 MW trong đó thủy điện lớn và thủy điện tích năng chiếm 16,9%; nhiệt điện than và khí 57,3%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 21%; nhập khẩu điện khoảng 1,2%.

"Tỷ lệ nhập khẩu điện thời gian tới có thể tăng lên 5-7% nhưng vấn đề ở chỗ nguồn điện mua từ Lào không lớn lắm, còn nguồn của Trung Quốc liệu có cung cấp cho Việt Nam hàng ngàn MW không, cái đó do Trung Quốc quyết định.

Dĩ nhiên, đã phải đi mua điện là có rủi ro do phụ thuộc", ông Trần Viết Ngãi nhận định.

Cùng cho quan điểm về vấn đề này, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, chuyện các nước láng giềng mua điện của nhau vẫn thường xảy ra trong khu vực và trên thế giới. Hiện công suất điện Việt Nam nhập khẩu của Trung Quốc chiếm chưa đến 3% nên chưa ảnh hưởng gì lớn đến an ninh năng lượng hay lo phụ thuộc.

"Vì vậy, nếu ta thiếu điện mà giá cả của họ phải chăng thì ta có thể mua với một tỷ lệ không quá cao", GS.VS.TSKH Trần Đình Long nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng chỉ ra rằng, việc chậm tiến độ các dự án nguồn điện đã thành căn bệnh trầm kha mà trong quy hoạch lần nào cũng có vấn đề này.

Việc chậm tiến độ ấy, theo ông có nhiều lý do: do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đền bù, nhà đầu tư không nghiêm túc, Nhà nước chưa có giải pháp để ép nhà thầu thực hiện cho đúng tiến độ...

"Trong hoàn cảnh đó, nếu mua điện được của các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc và tương lai là mua điện trong các nước ASEAN khi kết nối được lưới điện của các nước này thì đó cũng là chuyện thường tình. Nếu có chênh lệch về giá điện giữa các khu vực thì nước nọ có thể mua của nước kia với giá mà hệ thống lưới điện của nước đó có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, cần tính đến việc mua với tỷ lệ bao nhiêu là thích hợp để tránh phụ thuộc. Phải tính toán đến trường hợp các nước xảy ra trục trặc trong quan hệ, hợp đồng mua bán không thực hiện được thì vẫn không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Quan trọng nhất vẫn là nội lực", GS.VS.TSKH Trần Đình Long lưu ý.

Theo Bộ Công thương, hiện các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm các dự án do các tập đoàn nhà nước EVN, PVN, TKV là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án đầu tư theo hình thức IPP.

Tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/tang-cuong-mua-dien-trung-quoc-khong-can-co-3381616/